Charlie Chasen và Michael Malone gặp nhau vào năm 1997, tại một buổi hòa nhạc ở Atlanta, Mỹ. Họ nhanh chóng trở thành bạn bè và sớm nhận ra rằng, cả hai có khuôn mặt gần như giống hệt.
Hiện tượng này được gọi là song trùng (doppelgängers). Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những người không thân thích, không phải ruột thịt, họ hàng, song có ngoại hình rất giống nhau. Dòng tộc của họ thậm chí không đến từ một quốc gia.
Ông Chasen là người gốc Lithuania và Scotland, trong khi cha mẹ ông Malone đến từ Cộng hòa Dominica và Bahamas. Cả hai cùng hàng trăm cặp song trùng khác đã tham gia vào một dự án của François Brunelle, một nhiếp ảnh gia người Canada, có tên "I’m not a look-alike!".
Dự án gây tiếng vang trên mạng xã hội, đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về di truyền học. Tiến sĩ Manel Esteller, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Bệnh bạch cầu Josep Carreras ở Barcelona, từng tìm hiểu về sự khác biệt thể chất của các cặp song sinh cùng trứng.
Giờ đây, ông muốn xem xét điều ngược lại: "Vì sao những người không có quan hệ huyết thống, thậm chí không cùng quốc gia lại giống nhau đến đáng kinh ngạc?".
Trong nghiên cứu công bố hôm 23/8, trên tạp chí Cell Reports, tiến sĩ Esteller và các đồng nghiệp đã tuyển chọn 32 cặp song trùng từ dự án của nhiếp ảnh gia Brunelle để thực hiện xét nghiệm DNA. Các tình nguyện viên cũng được yêu cầu hoàn thành bảng hỏi về lối sống. Nhóm chuyên gia đã sử dụng phần mềm nhận dạng gương mặt nhằm chấm điểm sự giống nhau của các tình nguyện viên.
Kết quả, 16 trong số 32 cặp song trùng có điểm ngoại hình cao tương tự những cặp sinh đôi cùng trứng. Tiếp đến, các chuyên gia so sánh DNA của 16 cặp song trùng để tìm điểm giống và khác nhau. Theo tiến sĩ Esteller, họ có nhiều đoạn DNA tương đồng hơn so với những tình nguyện viên còn lại.
"Có thể nói, những người này giống nhau vì họ có chung các phần quan trọng của bộ gene, hoặc trình tự DNA", ông giải thích.
Tiếp theo, các chuyên gia xem xét tác động khách quan như trải nghiệm, môi trường sống và tổ tiên của mỗi người. Thông thường, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của gene. Khái niệm này được các nhà khoa học gọi là gene biểu sinh. Môi trường sống còn tác động đến hệ vi sinh của con người (hình thành từ nấm, vi khuẩn, virus).
Tuy nhiên, hệ vi sinh của các cặp song trùng lại khác nhau, dù họ có chung một số mã gene, tiến sĩ Esteller cho biết. Nói cách khác, sự phổ biến của những "người song trùng" cho thấy ngoại hình của họ liên quan nhiều đến DNA hơn là môi trường sinh sống. Ở mức độ nào đó, sự tương đồng của họ chỉ là may rủi, được thúc đẩy bởi quá trình gia tăng dân số.
Olivier Elemento, Giám đốc Viện Y học Chính xác Anh tại Weill Cornell Medicine ở New York, cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Hiện tượng hai người song trùng sở hữu bộ gene giống nhau dường như bắt nguồn từ yếu tố di truyền", ông nói, thêm rằng một ngày nào đó nghiên cứu này có thể hỗ trợ lĩnh vực pháp y. Nếu thành công, các nhà khoa học có thể phác thảo khuôn mặt tội phạm hoặc người bị hại thông qua các mẫu DNA.
Dù vậy, Daphne Martschenko, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đạo đức Y sinh Stanford, khuyến cáo nên thận trọng khi áp dụng nghiên cứu vào lĩnh vực này.
"Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp, trong đó thuật toán về khuôn mặt vô tình thúc đẩy thành kiến chủng tộc trong nhà thờ, cơ sở tuyển dụng và hồ sơ tội phạm", ông nói.
Sau khi tham gia dự án của nhiếp ảnh gia Brunelle, ông Malone và ông Chasen cho rằng đây là phương tiện để gắn kết mọi người. Cả hai vẫn là bạn suốt 25 năm. Khi Chasen kết hôn vào đầu tháng 8, ông lựa chọn gọi cho người bạn song trùng của mình đầu tiên. Dù không phải ai cũng có sự thân thiết như vậy, ông Malone cho rằng dự án của nhiếp ảnh gia Brunelle vẫn là "cách thức để kết nối tất cả mọi người".
Thục Linh (Theo NY Times)