Roopkund là một hồ nước đóng băng nằm ở độ cao khoảng 5.029 m trên mực nước biển ở Uttarakhand, một bang ở Ấn Độ. Vào cuối thế kỷ 19 đã có nhiều báo cáo về sự xuất hiện của những bộ xương ở hồ Roopkund nhưng đến năm 1942, trong một lần đi kiểm tra, các nhân viên kiểm lâm của Ấn Độ đã phát hiện hơn 200 bộ xương người gần như còn nguyên vẹn dưới hồ.
Ban đầu người ta suy đoán rằng, những bộ xương này là phần còn lại của những người lính Nhật tham gia vào Thế chiến II đã chết do thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, sau khi điều tra, kết quả giám định xương lại cho thấy, những hài cốt này ít nhất đã 100 năm tuổi. Do vậy, người ta hoài nghi đó là những bộ xương của một đội quân đến từ Kashmir đã mất tích trong chuyến hành quân ở dãy Himalaya vào năm 1841.
Từ những số liệu ngày tháng và số người tử vong, một số chuyên gia đưa ra hàng loạt giả thuyết lý giải nguyên nhân như sạt lở đất, các cuộc tấn công bất ngờ của kẻ địch, bệnh tật hay tự sát tập thể...
Trong những năm 1960, người ta lại tiếp tục phát hiện được những bộ xương khác. Tuy nhiên, lần này những bộ hài cốt có niên đại lên đến 500-800 năm tuổi. Vì vậy, giả thuyết những bộ xương trên là của đội quân đến từ Kashmir nhanh chóng bị loại bỏ.
Cuộc kiểm tra carbon phóng xạ chỉ ra rằng bộ xương có thể xuất hiện tại bất cứ thời điểm nào giữa thế kỷ 12 và 15. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà sử học cho rằng các xác chết này là do một cuộc tấn công không thành công của Mohammad Tughlak lên dãy Himalaya Garhwal. Vẫn còn những người khác tin rằng những bộ hài cốt này là của những người từng là nạn nhân của một bệnh dịch. Một số nhà nhân chủng học cũng đưa ra một lý thuyết về nghi lễ tự tử.
Cho đến khi một nhóm các nhà khoa học châu Âu và Ấn Độ cùng gặp nhau tại một khu vực theo chỉ thị của kênh truyền hình National Geographic vào năm 2004 thì sự thật kinh hoàng này mới bắt đầu được đưa ra ánh sáng.
Các kết quả nghiên cứu của họ cũng cho thấy các bộ xương này đã xuất hiện vào khoảng năm 850 sau Công nguyên, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Các vết nứt trên mặt sau của hộp sọ chỉ ra rằng tất cả những người này đã chết bởi một đòn chí tử vào phía sau đầu, nhưng nguyên nhân không phải là do sạt lở đất hay tuyết lở gây ra, mà do những vật nào đó cùn, có kích thước tròn như quả bóng cricket.
Không có chấn thương ở bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể chứng tỏ đây là do các cuộc tấn công từ trên cao gây ra. Và lời giải thích hợp lý nhất cho việc rất nhiều người chết do cùng một vết thương, vào cùng một thởi điểm chỉ có thể là một thứ gì đó rơi mạnh từ trên trời xuống, chẳng hạn như… mưa đá.
Đi sâu vào tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đặt thêm giả thuyết, một nhóm gồm 500 – 600 người đã hành hương qua đây. Đến khu vực hồ này, họ đã leo xuống dốc để lấy nước, đúng lúc gặp trận mưa đá. Trong hoàn cảnh không chỗ ẩn nấp kịp, nhiều người bị đá rơi vào chết ngay, ngoài ra còn có một số người bị thương và chết rét sau đó.
Làn nước băng giá của hồ đã bảo quản cơ thể họ trong hàng trăm năm. Một số người thậm chí vẫn còn giữ được tóc, móng tay cũng như các mảnh quần áo nguyên vẹn. Đó có lẽ là lời giải hợp lý nhất cho chiếc hồ bí ẩn này.
Kim Anh Tổng hợp