Trong cuộc họp vào 29/7 để chọn ra các di sản thế giới mới tại Phúc Châu, Trung Quốc, UNESCO đã quyết định đưa địa điểm khảo cổ và xác ướp nhân tạo của văn hoá Chinchorro từ vùng Arica và Parinacota, Chile vào danh sách Di sản thế giới. Đây là địa điểm thứ 7 tại Chile được UNESCO công nhận và đưa vào mức độ bảo vệ di sản cao nhất, nhờ "giá trị phổ quát nổi bật".
Người Chinchorro định cư tại các vịnh ven biển của sa mạc Atacama thuộc Chile ngày nay vào khoảng 7.000 năm trước Công nguyên. Họ bắt đầu phát triển kỹ thuật ướp xác vào khoảng 5.000 năm trước Công nguyên, tức là những xác ướp Chinchorro đã tồn tại hơn 7.000 năm, trước những người Ai Cập cổ đại 2.000 năm. Nếu những xác ướp ở Ai Cập là để dành cho những pharaoh hay những người ưu tú, thì người Chinchorro có cách tiếp cận bình đẳng hơn để tôn vinh người chết, với những xác ướp người săn bắn và hái lượm.
Các xác ướp được khai quật chỉ được chôn dưới bề mặt vài cm và gần hoặc trong các địa điểm có dấu hiệu dân cư sinh sống. Dựa trên các hao mòn và dấu hiệu trên các xác ướp được tìm thấy, các chuyên gia cho rằng chúng là một phần của cuộc sống gia đình và cộng đồng, được đào lên trong những dịp nhất định và sau đó được cải táng. Những xác ướp được tìm thấy có cả trẻ sơ sinh và bào thai, có lẽ do tỷ lệ tử vong thai nhi cao ở vùng sa mạc giàu thạch tín, có hai màu đen và đỏ. Các xác uớp màu đen được xử lý bằng việc tách cơ thể người chết ra hoàn toàn và sau đó ghép lại. Xác ướp màu đỏ được xử lý bằng cách rạch những đường nhỏ để loại bỏ nội tạng, sau đó làm khô khoang cơ thể. Xác ướp thường được nhồi bằng gậy và lau sậy, trang trí tóc giả và được đắp mặt nạ bằng đất sét.
Những xác ướp tồn tại ở đây hàng nghìn năm và được bảo quản tốt là do khí hậu khô cằn và độ mặn cao của khu vực gần bờ biển. Thứ trưởng Di sản Văn hoá của Chile, Emilio De la Cerda, người làm việc trực tiếp với UNESCO, cho biết có hai loại xác ướp Chinchorro, một là được uớp xác bởi điều kiện tự nhiên, hai là được ướp nhân tạo, sử dụng kỹ thuật cổ xưa hơn thời Ai Cập. Những xác ướp nhân tạo có chất liệu, điêu khắc và thẩm mỹ độc đáo phản ánh vai trò cơ bản của người chết và tâm linh phức tạp trong xã hội Chinchorro cổ xưa.
Việc địa điểm này được công nhận là Di sản thế giới bởi UNESCO cho thấy nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy du lịch khảo cổ học tại đây, cho phép những người đánh bắt cá địa phương có thêm cơ hội việc làm, trở thành người trông coi các khu chôn cất xác ướp Chinchorro.
Trung Nghĩa tổng hợp