Chùa Huyền Không tọa lạc trên núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc luôn nằm trong danh sách những điểm đến "thót tim" tại đất nước tỷ dân. Ngôi chùa có tuổi đời hơn 1.500 năm, tuy nhiên được xây dựng lại trong thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911).
Video: Ponjab Kesari
Công trình nằm trên vách núi cheo leo, cách mặt đất hơn 50 m và chỉ được dựng bằng những chiếc cọc gỗ đường kính 10-20 cm. Nhìn từ xa, ngôi chùa giống như được "dán chặt" vào vách núi thẳng đứng, khiến nhiều người không khỏi "tim đập chân run". Bên trong chùa có tới hơn 80 bức tượng đồng khá nặng, tuy nhiên, chùa Huyền Không vẫn trường tồn cùng thời gian và ẩn chứa nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học và các kiến trúc sư.
Ngôi chùa có tổng diện tích hơn 150 m2 và có 40 điện thờ được bố trí cân bằng để đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ công trình. Nối giữa các điện thờ là một hành lang được xây dựng men theo triền núi và cũng chỉ được chống đỡ bằng cọc và sàn gỗ đơn sơ. Các sử gia Trung Quốc cho biết, lý do người xưa xây dựng ngôi chùa này là để chống lại những cơn lũ dữ dội thường quét qua địa phận tỉnh Sơn Tây; đồng thời cũng tránh tuyết và nắng nóng ở khu vực này.
Mỗi một cây gỗ đứng cũng được chế tác công phu không kém, mỗi một điểm đặt móng đều được tính toán một cách kỹ càng, đảm báo chỗng đỡ được cả ngôi chùa. Có cây gỗ được chế tác để chịu trọng lực, có cây lại dùng để cân đối độ cao thấp của lầu các, có cây lại để gia tăng trọng lượng phía trên, như vậy mới có thể phát huy được tác dụng chống đỡ của nó.
Có chuyên gia cho rằng, nhìn bên ngoài chỉ có mười mấy chiếc cột gỗ to bằng miệng bát ăn cơm chống đỡ. nhưng thực ra, có một số cột không chịu lực và trọng tâm thực sự của chùa nằm trong vách đá cứng. Nói cách khác, phần gỗ cắm ở ngoài có tác dụng "đánh lừa", trên thực tế phần lớn thanh xà được cố định trong vách đá kiên cố, chỉ đua ra ngoài hơn 1/3. Nhìn bề ngoài chùa như bị treo giữa vách đá, song thực tế trọng tâm của chùa nằm trong núi đá.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, vị trí của chùa Huyền Không cũng rất đắc địa, nằm tại nơi được mệnh danh là “nhân thiên bắc trụ” (cột trụ phía Bắc kết nối con người với đất trời). Dưới chân núi là eo sông Kim Long với chiều rộng khoảng 1.500 m len lỏi giữa rặng núi Thúy Bình Phong gồm hai vách núi thẳng đứng bao phủ một màu xanh biếc. Mỗi năm, ngôi chùa tiếp đón hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi trong và ngoài Trung Quốc. Không chỉ tới để cầu an, du khách tới đây còn để chiêm ngưỡng một công trình độc đáo và để tận mắt chứng kiến một công trình sáng tạo của người xưa.
Theo Ngoisao