Đề xuất được bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, nói tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 tổ chức ở TP HCM, ngày 20/9.
Công ước 102 của ILO đưa ra 9 trường hợp cần được hệ thống an sinh xã hội trợ cấp là thai sản, gia đình, trẻ em, thất nghiệp, ốm đau, tai nạn, mất sức lao động, hưu trí, tử tuất và chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, hiện chính sách BHXH của Việt Nam thiếu chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em. Do đó, để tăng tính hấp dẫn, chính sách bảo hiểm cần có thêm hai nhóm được hỗ trợ này cùng việc tăng các mức hưởng. Chính phủ cần thêm một mức trợ cấp đảm bảo nhất định cho người tham gia; giảm năm đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 xuống còn 15 năm.
Ông Nguyễn Hải Đạt, phụ trách điều phối quốc gia, an sinh xã hội của ILO, nói nghiên cứu của ILO cho thấy 60% lao động nữ ở độ tuổi 25-26 tham gia BHXH, song rời đi sau một thời gian. Hiện, nhiều lao động chọn nhận trợ cấp một lần cũng là thách thức của chính sách. Vì vậy ngoài mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc, chính sách cần tính các phương án giữ chân lao động ở lại hệ thống.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng sau năm 2036, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và bước vào quá trình già hóa. Lúc đó các chính sách an sinh sẽ tập trung vào chăm lo cho người già nhiều hơn là lao động đang làm việc.
Tại Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột là bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; cứu trợ xã hội; trợ giúp và ưu đãi xã hội. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ người dân tham gia BHXH chưa như kỳ vọng. Theo tính toán, đến năm 2030, nếu không mở rộng bao phủ BHXH, có 12 triệu người cao tuổi không lương hưu, trở thành gánh nặng với hệ thống an sinh.
Theo số liệu của cơ quan bảo hiểm Việt Nam, đến hết quý 1/2022, hơn 16,4 triệu người tham gia BHXH, đạt gần 33% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo ILO, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho an sinh xã hội. Hiện, mức chi cho an sinh xã hội của Việt Nam thấp, dưới 5% GDP, trong khi mức trung bình khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương là 8%, thế giới là 13%.
Lê Tuyết