![]() |
Tổng thống Nga Putin. |
Liệu vụ bắt cóc có mang lại tác động ngược?
Người Nga chưa từng ủng hộ yêu cầu ly khai Chechnya, đặc biệt kể từ các vụ đánh bom ở Matxcơva năm 1999 làm 300 người thiệt mạng. Sự ủng hộ hiếm hoi nếu có cũng sẽ tan biến bởi lần này mục tiêu bắt cóc lại là trẻ em và cách đối xử tàn ác của những kẻ bắt cóc đối với các con tin.
Tác động của vụ bắt cóc đối với cách giải quyết vấn đề Chechnya cũng như tương lai của Putin?
Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình sau vụ khủng hoảng, Putin không đề cập trực tiếp tới Chechnya nhưng ngụ ý rằng mục tiêu của những kẻ khủng bố là tạo ra cuộc tàn sát khắp khu vực bắc Kavkaz. Ông muốn cải tổ lực lượng an ninh tại phía nam nước Nga và tạo "cách tiếp cận mới" đối với hệ thống hành pháp. Sau thảm kịch tàu ngầm hạt nhân Kursk năm 2001, sự ủng hộ giành cho Putin bị lung lay khi người đứng đầu Kremlin quyết định không cắt ngang kỳ nghỉ của ông. Lần này, Putin tới Beslan để thăm các nạn nhân. Sự ủng hộ giành cho Putin có thể sẽ không thay đổi đáng kể.
Động cơ thực sự của vụ bắt cóc?
Kremlin nói rằng các phần tử khủng bố đang tìm cách phá huỷ chính phủ của Putin. Vụ khủng hoảng diễn ra sau khi những kẻ đánh bom tự sát làm nổ tung hai chiếc máy bay, trong đó có một chiếc bay tới Sochi, nơi Putin đang đi nghỉ. Một số quan chức Nga cho rằng các chiến binh Chechnya muốn chứng tỏ họ có thể tạo dựng một thảm kịch tương tự vụ 11/9.
Những kẻ bắt cóc đã chuẩn bị như thế nào?
Rất kỹ lưỡng. Phòng tập thể dục, nơi 1.000 trẻ em cùng cha mẹ và các thầy cô giáo bị giam giữ đã được chăng xung quanh bằng thuốc nổ. Các nhà điều tra nói rằng vũ khí, thuốc nổ và đạn dược đã được mang vào trường từ trước và có thể được giấu dưới sàn nhà khi ngôi trường được sửa chữa trong mùa hè. Những kẻ khủng bố - nhập cảnh qua biên giới bằng cách hối lộ - đã đóng giả làm công nhân xây dựng. Yêu cầu mà chúng đưa ra trong thời gian cuộc khủng hoảng diễn ra đã thay đổi liên tục, bắt đầu là việc đòi trả tự do cho những chiến binh đang bị giam giữ và cuối cùng là đòi độc lập cho Chechnya.
Các con tin đã được đối xử như thế nào?
Rất tàn ác. Họ không được cung cấp thức ăn và nước uống cho dù bị giam giữ dưới cái nóng kinh người. Nhiều trẻ em đã phải lột bỏ quần áo. Khi những kẻ bắt cóc biết tin rằng Tổng thống Nga Putin sẽ không đến Beslan để thương thuyết, chúng thậm chí không cho những con tin trẻ em đi vệ sinh. Sau 3 ngày, bọn trẻ phải uống nước tiểu để đỡ mất nước. Có tin cho rằng tình trạng cưỡng hiếp đã xảy ra.
Những kẻ bắt cóc là ai?
Có 35 tên, chủ yếu là người Chechnya, Ingushetia và một người Bắc Ossetia. Hiện chưa rõ kẻ chủ mưu có phải là Shamil Basayev, thủ lĩnh phiến quân Chechnya, hay không. Mặc dù Matxcơva nói rằng 10 trong số những kẻ bắt cóc là người Ảrập, nhiều con tin cho biết họ nghe thấy chúng nói tiếng Nga chứ không phải tiếng Ảrập. Kremlin cần chứng minh rằng những kẻ bắt cóc là đại diện của "chủ nghĩa khủng bố quốc tế". Theo một số quan chức Nga, nhóm bắt cóc được Al-Qaeda hậu thuẫn về mặt tài chính.
Cuộc khủng hoảng kết thúc như thế nào?
Tình cờ, rối loạn và thảm khốc. Lực lượng an ninh Nga không định đột kích ngôi trường nhưng một tiếng nổ lớn vang lên, có thể một nữ đánh bom khủng bố đã tự làm nổ tung người, hoặc một quả bom được treo trên lưới bóng rổ trong phòng tập thể dục đã rơi xuống sau khi nhóm bắt cóc đồng ý cho lực lượng an ninh Nga mang thi thể các nạn nhân ra ngoài. Lính đặc nhiệm đã bắn trả khi nhóm bắt cóc nã đạn vào những con tin đang tìm cách chạy trốn.
Ngọc Sơn (theo Beslan Telegraph)