Hôm 26/11, đạo diễn Bernando Bertolucci - một trong những đại diện tiêu biểu nhất của làn sóng mới điện ảnh Italy - ra đi ở tuổi 77, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư. Từ sau cuộc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm năm 2003, ông phải ngồi xe lăn. Trước khi qua đời, ông vẫn tuyên bố muốn làm phim mới.
Bắt đầu làm phim từ thập niên 1960 nhưng số lượng phim của Bernando Bertolucci không nhiều. Trong gần 60 năm sự nghiệp, ông mới chỉ ra mắt 23 tác phẩm. Tuy nhiên, trong số đó nhiều phim được xếp vào hàng kinh điển, có sức ảnh hưởng lớn tới điện ảnh thế giới qua các thời kỳ như Last Tango in Paris (1972), Hoàng đế cuối cùng (1987) hay The Dreamers (2003).
Đạo diễn Bernando Bertolucci. |
Tuổi thơ sống trong nghệ thuật
Sinh năm 1941 ở miền Bắc nước Italy, Bernando Bertolucci có cha là một nhà thơ kiêm phê bình điện ảnh. Giai đoạn Bertolucci trưởng thành chính là lúc nền điện ảnh cũng như đất nước Italy hồi phục sau những chấn động, mất mát của Thế chiến Hai. Trước khi bước vào giới làm phim, ông từng là một phóng viên.
Năm 1961, khi mới 20 tuổi, Bertolucci bén duyên với điện ảnh qua công tác trợ lý đạo diễn cho bộ phim Accatone. Trước đó, ông từng mơ ước trở thành một nhà thơ như cha và đã theo học khoa Văn học hiện đại của Đại học Rome. Tuy nhiên, công việc trợ lý đạo diễn như một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Bertolucci. Ông bỏ ngang đại học để dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy.
Năm 1962, ông trở thành đạo diễn với tác phẩm đầu tay là The Grim Reaper, dựa theo nguyên tác truyện ngắn của Pier Paolo Pasolini, nói về vụ giết người bí ẩn liên quan tới một cô gái điếm. Tới năm 1970, khi chưa đầy 30 tuổi, Bernando Bertolucci đã gây chú ý ở quốc tế với bộ phim The Conformist. Tác phẩm này tham dự Liên hoan phim Quốc tế Berlin, sau đó được đề cử Oscar cho "Kịch bản chuyển thể hay nhất".
"Last Tango in Paris" và cảnh cưỡng hiếp đi vào lịch sử điện ảnh
Hai năm sau thành công của The Conformist, Bernando Bertolucci thực hiện bộ phim Last Tango in Paris. Ngay khi ra mắt, phim đã khiến công chúng xôn xao vì có quá nhiều cảnh sex táo bạo giữa hai diễn viên chính là Marlon Brandon và Maria Schneider. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khi ấy đã cắt hết các cảnh sex, đặc biệt là cảnh nhân vật nam chính của Marlon Brandon cưỡng hiếp bạn diễn từ phía sau.
Trước khi thực hiện cảnh quay này, Bernando Bertolucci chấp nhận rủi ro và quyết định nó chỉ có thể được quay duy nhất một lần trong đời. Ông bàn riêng với tài tử Marlon Brandon giữ kín kịch bản với Maria Schneider. Trên trường quay, nữ diễn viên trẻ hoàn toàn không thể ngờ được mình sẽ bị cưỡng bức kinh khủng đến mức vậy. Sau bộ phim này, Maria Schneider bị trầm cảm nặng, thường xuyên dùng ma túy và rượu, sự nghiệp cũng đi xuống, từng cố tự tử và phải điều trị trong trại tâm thần một thời gian.
Cảnh tranh cãi trong phim "Last Tango in Paris". |
Tới năm 2013, sau hơn 40 năm từ khi Last Tango in Paris ra mắt, Bernando Bertolucci mới tiết lộ bí mật phía sau cảnh quay cưỡng bức kinh điển này. Ông tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận khi tuyên bố dù biết trước đó là việc làm sai trái nhưng không ân hận vì muốn cảnh quay đó được chân thực, muốn Maria Schneider thể hiện biểu hiện của một cô gái bị tấn công tình dục chứ không phải là một diễn viên đang diễn. Những tiết lộ của Bernando Bertolucci tạo nên làn sóng phẫn nộ, nhiều ý kiến còn cho rằng ông nên bị khởi kiện cũng như bị Viện Hàn Lâm tước đề cử Oscar năm xưa.
Tuy nhiên đến nay, Last Tango in Paris vẫn là tác phẩm gây chú ý nhất của Bernando Bertolucci ở quốc tế. Bộ phim này luôn được nhắc tới như là một tác phẩm kinh điển đề tài tình dục. Những cuộc tranh cãi xoay quanh nó cũng như cảnh cưỡng bức "quay thật" vẫn còn tiếp diễn kể cả sau khi Bertolucci qua đời.
"Công phá" Hollywood với "Hoàng đế cuối cùng"
Năm 1987, Bernando Bertolucci đạo diễn bộ phim Hoàng đế cuối cùng – phim tiểu sử về cuộc đời của vua Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Trước đó, ông từng vỡ mộng với tình hình chính trị tại Italy và từ một kẻ vô thần trở thành tín đồ của Phật giáo, tìm hiểu nhiều về văn hóa phương Đông. Phim quay tại Tử Cấm Thành và được chính phủ Trung Quốc ủng hộ hoàn toàn. Khi ra mắt tại quốc gia này, tác phẩm cũng hoàn toàn được chiếu trọn vẹn, không bị cắt xén.
Hoàng đế cuối cùng thành công rực rỡ và trở thành mốc son trong sự nghiệp của Bernando Bertolucci khi giành tới chín tượng vàng Oscar năm 1988, trong đó có hai danh hiệu quan trọng là "Phim hay nhất" và "Đạo diễn xuất sắc".
Được coi là một trong bốn trụ cột của phong trào làn sóng mới điện ảnh Italy những năm đầu thập niên 1960 cùng Michelangelo Antonioni, Pier Paolo Pasolini và Federico Fellini nhưng đến nay, Bertolucci vẫn là đạo diễn Italy duy nhất từng được vinh danh Oscar ở hạng mục "Đạo diễn xuất sắc".
"The Dreamers" – đỉnh cao tuổi "xế chiều"
Tác phẩm gây chú ý cuối cùng trong sự nghiệp của Bernando Bertolucci là The Dreamers (2003) – bộ phim đầu tay của minh tinh Eva Green. Lấy bối cảnh vào tháng 5/1968 – giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước Pháp khi xảy ra xung đột ý thức hệ giữa sinh viên cánh tả và giới cầm quyền, phim xoay quanh câu chuyện về "những kẻ mộng mơ" gồm hai anh em sinh đôi – Isabelle (Eva Green), Théo (Louis Garrel) - và chàng sinh viên người Mỹ: Matthew (Michael Pitt). Bộ phim nói về tuổi trẻ, những giấc mơ nghệ thuật và xung đột thế hệ cũng như chính trị.
Bernando Bertolucci từng chia sẻ rằng The Dreamers làm về chính tuổi trẻ của ông với đầy đủ sự nổi loạn, những giấc mộng viển vông về nghệ thuật và bất mãn với chính quyền của Charles de Gaulle. Chính Bertolucci đã trải qua những năm tháng đôi mươi trong giai đoạn tháng 5 lịch sử của năm 1968 tại nước Pháp.
The Dreamers cũng có nhiều cảnh sinh hoạt tình dục giữa ba nhân vật chính trong phim. Phim bị gắn mác NC-17 (cấm khán giả dưới 17 tuổi) và nhận thêm vô số lời chỉ trích, đặc biệt là khi hai nhân vật Isabelle và Théo vốn là anh em sinh đôi khác giới nhưng lại có những cảnh đặc tả khỏa thân trước mặt nhau. Tuy nhiên, giới phê bình quốc tế vẫn đánh giá cao phong cách nghệ thuật của The Dreamers và ca tụng diễn xuất của Eva Green. Đây chính là tác phẩm đã biến người đẹp Pháp trở thành một trong những minh tinh sáng giá nhất của điện ảnh châu Âu, làm bàn đạp cho cô trở thành Bondgirl và "tấn công" Hollywood trong Casino Royale sau đó ba năm.
Hình ảnh phim "The Dreamers". |
Sau The Dreamers, Bernando Bertolucci trải qua cuộc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm và sức khỏe suy yếu. Năm 2012, ông có thêm bộ phim Me and You nhưng dấu ấn không đậm nét như những tác phẩm cũ.
Sự ra đi của Bernando Bertolucci là một mất mát lớn với điện ảnh Italy nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. Carlo Fontana, Chủ tịch Hiệp hội Giải trí Italy (IGEA), đã ví Bertolucci là "một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của điện ảnh Italy. Những bộ phim của ông đã trở thành một phần trong trí tưởng tượng chung của văn hóa đại chúng và vượt xa khỏi biên giới Italy để trở thành những cột mốc quan trọng của lịch sử điện ảnh thế giới".
Nguyên Minh