Chủ nhật, 26/1/2025
Thứ hai, 12/6/2023, 22:05 (GMT+7)

Berlusconi - từ doanh nhân tới Thủ tướng đi vào lịch sử Italy

Silvio Berlusconi thành công trong lĩnh vực kinh doanh trước khi tham gia chính trường, trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Italy.

Cựu thủ tướng Italy Silvio Berlusconi qua đời tại bệnh viện San Raffaele ở Milan hôm 12/6 ở tuổi 86, sau nhiều tuần điều trị nhiễm trùng phổi liên quan đến bệnh ung thư bạch cầu.

Trong ảnh, ông Berlusconi tham gia một chương trình truyền hình về chính trị tại Rome hồi năm 2017.

Silvio Berlusconi sinh ngày 29/9/1936 trong một gia đình trung lưu ở thành phố Milan. Ông theo học trường tư thuộc một hội đoàn tôn giáo và tốt nghiệp ngành luật với bằng giỏi năm 1961. Berlusconi chuyên về xây dựng hợp đồng quảng cáo, lĩnh vực rất có ích với sự nghiệp sau này của ông.

Ông trưởng thành vào giai đoạn Italy bắt đầu trải qua "phép màu kinh tế" thời hậu chiến. Berlusconi đã khởi động hàng loạt sáng kiến kinh doanh thành công trong ngành xây dựng đang bùng nổ khi đó.

Khi ngoài 30 tuổi, ông bắt đầu nghĩ đến dự án mang tính cách mạng là xây dựng khu dân cư ở ngoại ô phía bắc Milan với tên gọi "Milano 2". Mục tiêu là mang đến những ngôi nhà rộng rãi với chất lượng sống cao ở ngoại ô, trái ngược với đô thị ngày càng chật chội và ô nhiễm ở nội thành.

Dự án Milano 2 thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại khi quảng cáo "tài sản độc quyền" cho giới trung lưu, vốn đang tìm cách thoát khỏi nội đô nhưng vẫn muốn gắn bó với Milan. Kế hoạch của Berlusconi đặc biệt thành công, giúp công ty xây dựng Edilnord của ông gia nhập nhóm những doanh nghiệp lớn của Italy và mở rộng kinh doanh dưới danh nghĩa trực thuộc công ty tài chính Finivest.

Trong thập niên 1970, phát sóng truyền hình bắt đầu được tư nhân hóa tại Italy và Silvio Berlusconi đàu tư vào lĩnh vực này. Ông thành lập công ty truyền thông MediaForEurope với quyền phát sóng 3 kênh truyền hình trên khắp lãnh thổ Italy gồm Canale 5, Italia 1 và Rete 4. Chi nhánh quảng cáo Publitalia của doanh nghiệp đã hỗ trợ đắc lực cho các kênh này.

Đế chế truyền thông của Berlusconi trở thành đối thủ cạnh tranh duy nhất của kênh truyền hình quốc gia Italy RAI. Quan hệ cá nhân với nhiều quan chức chính phủ, cũng như khả năng thu hút các ngôi sao truyền hình nổi tiếng nhất Italy của Berlusconi đóng góp nhiều vào quá trình phát triển của doanh nghiệp này.

Sự nổi tiếng của Berlusconi tăng vọt từ năm 1986 khi ông mua lại câu lạc bộ bóng đá AC Milan và giúp họ thoát khỏi nguy cơ phá sản. Đây là động thái mang tính chiến lược tại quốc gia đam mê bóng đá như Italy, nhưng Berlusconi còn nhanh chóng biến AC Milan từ đội bóng nội địa trở thành thương hiệu quốc tế.

Hơn 30 năm thuộc quyền sở hữu của Berlusconi được coi là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử AC Milan.

Silvio Berlusconi vẫy chào người ủng hộ tại một trong những cuộc họp đầu tiên của phong trào Forza Italia do ông thành lập tại thành phố Milan năm 1993.

Trong vòng 15 năm sau thành công của Milano 2, Berlusconi đã xây dựng đế chế kinh doanh tham gia vào các ngành xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, truyền hình, quảng cáo, xuất bản, thể thao, siêu thị. Trong vài chục năm, ông đã biến Fininvest thành công ty lớn thứ 8 tại Italy xét về doanh số.

Dù vậy, ông vẫn không được giới doanh nghiệp tinh hoa coi trọng. Đây dường như là một phần lý do thúc đẩy ông tìm cách mới để gia tăng ảnh hưởng. Đầu thập niên 1990, Berlusconi biến mình thành "doanh nhân chính trị".

Vào thời điểm đó, bê bối Tangentopoli (các doanh nghiệp hối lộ để nhận hợp đồng lớn với chính phủ) nổ ra, làm phơi bày thực trạng tham nhũng trong giới chính trị gia Italy. Nhiều đảng phái gần như biến mất sau bê bối này, để loại khoảng trống lớn trong nền chính trị đất nước. Berlusconi lập tức lấp đầy chỗ trống bằng cách nhanh chong xây dựng đảng mới, tận dụng danh tiếng kinh doanh của bản thân và sức mạnh truyền thông trong tay.

Berlusconi được nhìn nhận là chính trị gia có sức hút, những chiến dịch tranh cử đều xoay quanh cá nhân ông. Tuy nhiên, ông bị đánh giá thiếu tầm nhìn lâu dài về mặt điều hành đất nước và phát triển kinh tế.

Trong thời gian ông nắm quyền, GDP của Italy ở mức đồng đều so với phần còn lại ở châu Âu. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của đất nước, được xác định qua lĩnh vực xuất khẩu, liên tục suy giảm, trong khi chi tiêu công liên tục gia tăng.

Về đối ngoại, Berlusconi đã ủng hộ nhiều chính sách của Mỹ, xích lại gần Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Berlusconi là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và EU. Ông cũng có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Putin.

Hoạt động chính trị của Berlusconi bị cáo buộc dính vào những xung đột lợi ích, khi ông vừa là Thủ tướng Italy, vừa là người đứng đầu bộ máy kinh doanh xoay quanh truyền hình và quảng cáo.

Silvio Berlusconi được bầu làm Thủ tướng Italy năm 1994, đánh dấu mở đầu giai đoạn ông nắm quyền lâu dài với tư cách lãnh đạo các liên minh cánh hữu. Ông từng ba lần làm thủ tướng Italy trong giai đoạn 1994-1995, 2001-2006 và 2008-2011, với tổng thời gian 9 năm cầm quyền.

Trong ảnh, Thủ tướng Berlusconi gặp Giáo hoàng John Paul II tại bệnh viện ở Rome năm 1994.

Cựu thủ tướng Berlusconi tham gia tuần hành phản đối chính phủ ở thủ đô Rome năm 2019.

Tạp chí Forbes từng xếp Berlusconi là người giàu thứ 188 trên thế giới với khối tài sản 6,2 tỷ USD.

Cựu thủ tướng Berlusconi với vai trò thành viên Nghị viện châu Âu năm 2019. Sau khi Berlusconi qua đời, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã mô tả ông là "người cha, doanh nhân, thành viên Nghị viện châu Âu, Thủ tướng, nghị sĩ. Ông ấy đã để lại những dấu ấn không thể nào quên".

Cựu thủ tướng Berlusconi thăm Quảng trường St. Mark ở Venice để hỗ trợ đánh giá thiệt hại do lũ lụt hồi năm 2019.

"Silvio Berlusconi trên hết là một chiến binh, ông là người không bao giờ ngại bảo vệ niềm tin của mình. Chính sự dũng cảm, quyết tâm đó đã biến ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử đất nước", Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ra thông cáo cho biết hôm 12/6.

Ảnh: Zuma Press, AP, Reuters