![]() |
Tại thị trấn hẻo lánh Boab (bang Utah), quán ăn sang trọng nhất là của McDonald's. |
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, thực phẩm ở Mỹ có thể nói là tồi nhất thế giới, đặc biệt là những thứ trong bữa ăn hàng ngày của người Mỹ nói chung.
Ở Mỹ, hầu như mọi thứ đều được điều khiển bởi các tập đoàn (corporation), mà thực chất là các công ty khổng lồ có ảnh hưởng cực lớn. Về lĩnh vực thực phẩm, có những tập đoàn như: McDonald's, Jack in the Box, Carl Junier… Tất cả đều có điểm chung là cùng “nuôi” người Mỹ bằng một loại thức ăn nhanh rẻ, tiện lợi, ngon miệng và... độc hại. Dưới con mắt các ông chủ tập đoàn thì thức ăn ở đây là “sản phẩm” chứ không phải là “thực phẩm”. Điều này có nghĩa là trước hết, chúng phải tiêu thụ được càng nhiều càng tốt. Vì vậy, những sản phẩm này được chế tạo sao cho có thể làm hài lòng các giác quan của các thực khách nhất, để họ ăn nhiều nhất, thường xuyên nhất. Còn việc chúng ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao thì... tính sau.
Các nhà hàng ăn nhanh có mặt ở khắp nơi. Với một khoản tiền nhỏ hơn 5 USD, chỉ trong 5 phút, bạn sẽ có ngay một bánh mì kẹp thịt, một gói khoai tây rán và một cốc Coca Cola. Đó cũng là một bữa ăn điển hình của phần lớn dân Mỹ. Hàng ngày, có hàng trăm triệu người Mỹ sử dụng thức ăn nhanh. Không mấy ai trong số họ thực sự quan tâm đến nguồn gốc của đồ ăn hay xem chúng đã trải qua những công đoạn gì. Các đồ ăn này được chế biến tại một nơi, sau đó được vận chuyển tới hàng triệu điểm bán lẻ trong và ngoài nước Mỹ. Khi đến tay thực khách, chúng đã trải qua cả tháng trời trong các phòng lạnh. Để có thể tồn tại lâu như vậy, việc sử dụng các chất hóa học là không tránh khỏi.
Theo Eric Schlosser - tác giả của cuốn sách “Fast Food Nation: The Dark Side of the All-American Meal ” - thì trên thực tế, hầu hết mùi và vị của những loại đồ ăn này, dù là thịt gà, thịt bò hay khoai tây rán, đều là nhân tạo. Chúng được khéo léo chế ra theo những công thức đặc biệt và bí mật để đánh lừa vị giác của người ăn, khiến cho người ta muốn ăn và ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế của cơ thể. Chỉ có điều, sau khi ăn xong, cảm giác “no” cứ tồn tại mãi, đặc biệt là với những người mà cơ quan tiêu hóa của họ chưa quen với những thứ đồ ăn thật giả lẫn lộn này.
![]() |
Ngay từ đầu, McDonald's đã nhắm tới những cô bé, cậu bé Mỹ. |
Hình thành từ giữa những năm 70, các tập đoàn thức ăn nhanh đã rất khôn khéo tập trung quảng cáo vào đối tượng thanh thiếu niên. Kể từ đó đến nay, các thế hệ người Mỹ đã lớn lên bằng và cùng thức ăn nhanh. Đến ngày nay, thức ăn nhanh trở thành một phần của lối sống và văn hóa Mỹ, cũng như ngoại cỡ là một phần của dung nhan người Mỹ. Và tồi tệ hơn: Ung thư trở thành một căn bệnh phổ biến ở quốc gia này.
Vì có nhiều người béo nên ở Mỹ, ngành công nghiệp “vỗ gầy” rất được chú trọng và phát đạt. Trên các tạp chí và truyền hình nhan nhản quảng cáo đề cập đến các phương pháp giảm cân. Quảng cáo này bao giờ cũng kèm theo hình các cô người mẫu thon thả, hấp dẫn - mà không hiểu họ tìm ở đâu ra - và chào mời các liệu pháp như: “Giảm 10 cân trong hai tuần”, “Làm sao để ăn nhiều mà vẫn không lên cân”, hoặc “Phương pháp tiêu mỡ nhanh chỉ với 5 phút tập thể dục mỗi ngày”... Nhìn chung là khó tin và giật gân. Các liệu pháp mạnh như phẫu thuật, hút mỡ... cũng khá thịnh hành.
Ở Mỹ, chống béo là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc và mỗi năm ngốn tới 38 tỷ đô la. Một nghịch lý là: Số tiền người Mỹ bỏ ra để gầy đi lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền mà hàng triệu người khác trên thế giới cần để ăn uống cho đầy đủ.
Đông Ngô (từ San Francisco)