Thứ hai, 1/7/2024
Thứ năm, 3/11/2022, 06:00 (GMT+7)

Bệnh viện tuyến cuối xập xệ ở Sài Gòn

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM 12 năm qua chưa thể thực hiện dự án xây mới trong khi đã xuống cấp trầm trọng, phải điều trị hàng nghìn người bệnh mỗi ngày.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM được người Hoa xây dựng năm 1968, diện tích khuôn viên hơn 5.000 m2, quy mô ban đầu 100 giường bệnh, nay phải cơi nới khoảng 600 giường nội trú, gồm các giường nằm ngoài hành lang các khoa phòng. Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng một, tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình của TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Trải qua hơn 50 năm, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp nặng nề. Cổng chính bệnh viện trên đường Trần Hưng Đạo nhỏ hẹp, luôn trong tình trạng lộn xộn bởi taxi, cấp cứu, băng ca... liên tục dừng đỗ ngay trên lòng đường. Lực lượng bảo vệ luôn phải túc trực để điều tiết người và xe.

Bệnh viện mỗi ngày khám ngoại trú 1.500-2.000 người, nội trú khoảng 600-700 người; mỗi bệnh nhân có ít nhất một người thân chăm sóc. Ngoài ra, bệnh viện có khoảng 900 nhân viên, hàng ngày rất đông sinh viên, bác sĩ từ nơi khác đến học... nên ước tính tổng cộng luôn có 5.000 người trong bệnh viện.

"Bệnh viện giống như một cái áo chật chội nên khu vực nào cũng quá tải. Trầm trọng nhất là ở khu khám bệnh, chụp X-quang và khu vực nội trú, phòng mổ", đại diện bệnh viện cho biết.

Bệnh viện không có cổng vào khám bệnh riêng. Cổng cấp cứu cũng là cổng để bệnh nhân vào khám, hành lang nhỏ tập trung các hoạt động gồm cấp cứu, lấy số thứ tự khám bệnh (cấp cứu, bảo hiểm, không bảo hiểm), nhà thuốc, phòng viện phí, khu vực ngồi chờ khám.

Không đủ nơi đặt ghế ngồi, bệnh nhân phải ngồi lên bậc tam cấp, hoặc đứng để chờ khám, để lãnh thuốc… Mỗi khi các ca cấp cứu vô ra, mọi người phải đứng nép hai bên để cho xe đi qua.

Bệnh viện đã sửa chữa cuốn chiếu tất cả khoa lâm sàng, phòng khám, phòng hành chính; gộp các phòng nhỏ thành phòng lớn để tăng diện tích sử dụng. Tuy nhiên, nhiều phòng khám, làm việc, nghỉ ngơi của bác sĩ vẫn chật hẹp. Trong ảnh là phòng rửa dụng cụ y tế, rộng khoảng 5m2, chất đầy đồ đạc, chỉ đủ chỗ cho ba nhân viên y tế đứng làm việc.

Cầu thang lên xuống các tầng cũ kỹ và được tận dụng gầm làm chỗ để đồ, nghỉ ngơi tạm của lao công hoặc thân nhân người bệnh.

Các dãy hành lang rộng hơn một mét, tận dụng làm chỗ để đồ đạc, máy móc y tế hoặc làm chỗ nằm điều trị của bệnh nhân, nhiều chỗ chỉ đủ một người đi qua.

Những năm qua, bệnh viện tận dụng tối đa diện tích khuôn viên để phục vụ bệnh nhân như xây thêm phòng mổ, phòng chụp X-quang, kê thêm bàn trong phòng khám để khám được nhiều bệnh nhân hơn.

Khoa Cột sống A, vốn là dãy phòng cũ của Bệnh viện Sùng Chính (tên cũ) hình thành những năm 1960, nay đã cũ nát sau hơn nửa thế kỷ tồn tại. Đây là khu vực xuống cấp nhất bệnh viện. Các bức tường xỉn màu, bị bong tróc thành những mảng lớn.

Lan can trên những tầng lầu mục nát, nhiều đoạn không còn kết cấu, được che chắn tạm bằng lưới B40.

Hầu hết tấm bạt chắn nắng ở các tầng đều mục nát nhưng vẫn còn được sử dụng.

Khoảng không gian thông thoáng nhất trong bệnh viện là khu giếng trời rộng khoảng 70 m2 với đủ loại đồ đạc, thùng rác, dụng cụ y tế...

Một góc ban công được cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Năm 2010, dự án xây mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (BT). Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đã đề xuất UBND ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển địa điểm dự án xây dựng mới về vị trí khác, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách thành phố. Đồng thời, Sở Y tế đề nghị thành phố giao nhà đất ở địa chỉ 201 Phạm Viết Chánh (cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM) tạm làm cơ sở hai Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Tôn che ở các dãy hành lang xuống cấp, lác đác rác thải, một số chỗ phải vá tạm để chống giột. Trước mắt, bệnh viện đề xuất di dời khu ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng do không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, kiến trúc xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, không an toàn cho thân nhân bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.

Trong thời gian chờ dự án xây cơ sở hai, bệnh viện kiến nghị thành phố cho xây dựng mới cơ sở cũ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải quyết tình trạng đang quá tải hiện nay và xứng tầm bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối khu vực phía Nam, đồng thời phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là một trong ba bệnh viện xuống cấp được Sở Y tế đề xuất UBND TP HCM xây mới. Hai bệnh viện còn lại là Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Tâm thần. Giám đốc Sở Y tế cho rằng tình trạng quá tải, xuống cấp khiến người bệnh thiệt thòi, khó khăn, chưa tương xứng với tầm phát triển của một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.

Quỳnh Trần - Lê Phương