Cơ sở hai của bệnh viện chỉnh hình hoạt động tại khu nhà đất của Bệnh viện Truyền máu Huyết học cũ, trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1. Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cho biết cơ sở mới được bố trí các phòng khám, X-quang, siêu âm, bó bột, xét nghiệm... bước đầu phục vụ bệnh nhân đến tái khám. Khu vực nhận bệnh, các phòng khám sạch sẽ, rộng rãi hơn so với hạ tầng luôn trong tình trạng quá tải, chật chội của cơ sở một ở quận 5.
Mặt bằng này vốn của Bệnh viện Truyền máu huyết học. Hai năm trước bệnh viện huyết học dời đến cơ sở mới tại huyện Bình Chánh, nơi này để trống nên xuống cấp và hư hỏng nặng. Bệnh viện chỉnh hình tiếp quản khu đất, xin trang thiết bị như giường, tủ, bàn của Bệnh viện Dã chiến Covid số 13, sửa chữa lại để biến thành cơ sở hai và đưa vào hoạt động.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng yêu cầu bệnh viện khẩn trương hoàn thiện tất cả hạng mục còn dang dở, kịp cuối tháng 12 đón bệnh nhân nội trú và đưa hoạt động toàn bộ vào đầu năm tới. Dự kiến, các giường nội trú sẽ dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật, bệnh nhân đã điều trị ổn định tại cơ sở một.
"Nếu cơ sở hai đi vào hoạt động sẽ giải áp được 80-100 giường nội trú, chiếm khoảng 1/3 với cơ sở cũ và giảm khoảng 25% số bệnh nhân đến khám ở cơ sở một", ông Thượng nói.
Mỗi ngày, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM tiếp nhận 1.000-1.200 lượt khám ngoại trú, trong đó khoảng 60% tái khám. Tại các khoa nội trú, 500-600 lượt bệnh nhân nằm điều trị mỗi ngày, trong đó số cần điều trị nội trú dài ngày chiếm khoảng 20%.
Theo ông Thượng, cơ sở hai là giải pháp tạm thời nhưng rất quan trọng, trong thời gian chờ đợi thành phố có kế hoạch xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Hiện dự án xây mới bệnh viện ở Bình Chánh vẫn chưa thể triển khai sau 13 năm. Sở Y tế đã đề xuất thay đổi kế hoạch, xây mới bệnh viện ngay tại khu đất hiện hữu.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM là một trong những bệnh viện lâu đời nhất tại TP HCM, và là một trong ba bệnh viện xuống cấp nhất được Sở Y tế đề xuất UBND TP HCM xây mới. Hai bệnh viện còn lại là Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Tâm thần. Giám đốc Sở Y tế cho rằng tình trạng quá tải, xuống cấp khiến người bệnh thiệt thòi, khó khăn, chưa tương xứng với tầm phát triển của một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.
Bệnh viện chỉnh hình được người Hoa xây dựng năm 1968, diện tích khuôn viên hơn 5.000 m2, quy mô ban đầu 100 giường bệnh, nay phải cơi nới khoảng 600 giường nội trú, gồm các giường nằm ngoài hành lang các khoa phòng. Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng một, tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình của TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Trải qua hơn 50 năm, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp nặng nề. Năm 2010, dự án xây mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (BT). Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Sở Y tế đã đề xuất UBND ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển địa điểm dự án xây dựng mới về vị trí khác, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách thành phố.
Lê Phương