Ông Nguyễn Trần Phú, Phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết như trên tại họp báo định kỳ, chiều 21/9, thêm rằng trong tháng này sẽ hoàn thành các thủ tục điều chuyển, bàn giao tài sản.
Khu đất trên đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, trước đây là cơ sở khám bệnh của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM. Bệnh viện này hiện đã được xây mới tại huyện Bình Chánh và dời về đây, để trống mặt bằng hiện tại.
"Lãnh đạo thành phố quyết định giao hẳn khu đất này cho Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để yên tâm phát triển do cơ sở hiện tại trong tình trạng quá tải", ông Phú nói.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM được người Hoa xây dựng năm 1968, diện tích khuôn viên hơn 5.000 m2, quy mô ban đầu 100 giường bệnh, nay phải cơi nới khoảng 600 giường nội trú, gồm các giường nằm ngoài hành lang các khoa phòng. Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng một, tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình của TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Trải qua hơn 50 năm, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp nặng nề. Năm 2010, dự án xây mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (BT). Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đã đề xuất UBND ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển địa điểm dự án xây dựng mới về vị trí khác, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách thành phố.
Trong thời gian chờ dự án xây cơ sở hai, bệnh viện kiến nghị thành phố cho xây dựng mới cơ sở cũ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải quyết tình trạng đang quá tải hiện nay và xứng tầm bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối khu vực phía Nam, đồng thời phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là một trong ba bệnh viện xuống cấp được Sở Y tế đề xuất UBND TP HCM xây mới. Hai bệnh viện còn lại là Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Tâm thần. Giám đốc Sở Y tế cho rằng tình trạng quá tải, xuống cấp khiến người bệnh thiệt thòi, khó khăn, chưa tương xứng với tầm phát triển của một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.
Mỹ Ý