Thông tin được Sở Y tế TP HCM nêu sau buổi làm việc với giám đốc, trưởng khoa dược các bệnh viện, trung tâm y tế, ngày 20/6. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh thời gian qua hầu hết bệnh viện đều khẳng định "không thiếu thuốc" trong khi người bệnh phản ánh có tình trạng này.
Đại diện các cơ sở khám chữa bệnh cho rằng đã và đang tổ chức đấu thầu theo quy định nên đảm bảo cung ứng đủ cho người dân. Việc thiếu một vài loại thuốc là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm qua chứ không phải mới xảy ra.
Nguyên nhân là các cơ sở y tế luôn bị động đối với một số thuốc hiếm (Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn...) do nhà cung ứng ngừng sản xuất. Còn các loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam... thì nhà sản xuất trong nước không có nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, một vài loại thuốc bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga và Ukraine (như Methotrexat sản xuất từ Belarus).
Với các thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia, bệnh viện phải phụ thuộc vào kết quả của trung tâm. Nếu chủ động đấu thầu sẽ gặp khó khăn trong thanh toán, bởi giá thuốc bệnh viện phải mua luôn cao hơn so với kết quả đấu thầu của trung tâm.
Mặt khác, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối có thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị ung bướu, huyết học... Hầu hết thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép.
Lý do khác khiến việc đấu thầu ở cơ sở y tế tuyến quận huyện chưa thực hiện là thiếu nhân lực tham gia, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm.
"Một thách thức không nhỏ nữa là các bệnh viện phải tiếp nhận người bệnh nặng từ tỉnh thành khác chuyển đến, hoặc do những nơi đó đang thiếu thuốc, vật tư y tế", đại diện Sở Y tế cho biết.
Để giải quyết các vấn đề bất cập trên, Sở Y tế đã đề xuất UBND TP HCM thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị; thành lập tổ công tác tiếp nhận các thông tin, tư vấn và hướng dẫn xử lý tình huống thiếu thuốc (nếu có của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); đồng thời tổ chức các hội đồng chuyên gia theo từng chuyên khoa để rà soát, cập nhật lại các thuốc thuộc danh mục hiếm...
Sở Y tế cũng kiến nghị UBND hỗ trợ ngân sách để dự trữ một số thuốc hiếm, đảm bảo cấp cứu người bệnh; sớm xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.
Bộ Y tế được đề nghị rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký cho các thuốc; cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký; chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp mua sắm; đồng thời cần có chính sách đặt hàng các nhà sản xuất trong nước ưu tiên các loại thuốc cấp cứu, đặc trị (như huyết thanh kháng nọc rắn...).
Họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sáng hôm nay, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở chủ yếu "do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động"; ảnh hưởng tình hình dịch bệnh; chậm thầu... Ông Tuyên cam kết phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Lê Phương