Nguyên nhân đầu tiên, theo Bộ Y tế, là tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm; hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện. Trong khi đó, Bộ đã cùng với UBND các tỉnh thành phân cấp, thẩm quyền mua sắm, các đơn vị được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp.
Việc thiếu vật tư y tế còn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo Bộ Y tế, trong năm 2020-2021, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để chống dịch. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất và hàng hóa khan hiếm, giá cả nhiều biến động... khiến việc mua sắm khó khăn hơn.
Lý do khác là, các cơ sở y tế chưa hiểu và thực hiện Nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính, thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại kể từ khi nghị định này có hiệu lực.
Ngoài ra, việc chậm thầu còn do một số giấy đăng ký thuốc hết hạn. Hồi tháng 4, Bộ Y tế đã báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về hơn 10.000 giấy đăng ký thuốc hết hạn vào cuối năm nay, gây nguy cơ thiếu thuốc. Đến tháng 6, Cục Quản lý Dược mới cấp phép bổ sung hơn 6.200 loại thuốc nội, nhập khẩu và sinh phẩm y tế.
Nguyên nhân nữa là việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia (mua sắm một lượng lớn thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị) chậm có kết quả, khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ và tự mua, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật khám, chữa bệnh hôm 13/6, đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng thiếu thuốc là do luật pháp y tế không rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) nhấn mạnh: "Hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân. Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng. Chúng tôi muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể".
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế cho biết đã đôn đốc các cơ sở y tế lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu để cung ứng kịp thời cho bệnh nhân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Đối với các thuốc hết hạn đăng ký, Cục Quản lý Dược đã gia hạn giấy đợt một, dự kiến trước 15/7 công bố danh mục thuốc gia hạn đợt hai.
Bộ cũng đề nghị chính quyền địa phương đưa ra biện pháp cụ thể, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Tại Hà Nội, người bệnh phản ánh bệnh viện thiếu các vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chi Lê