Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa cho biết nội dung trên trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Thái Nguyên về đề nghị tăng phụ cấp nghề lên 80-100% với nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh; tăng phụ cấp thường trực với cán bộ y tế.
Bà Lan dẫn Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp, nêu rõ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (70% quỹ lương), khoản phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra còn có tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Vì vậy, khi xây dựng chế độ tiền lương mới, ngoài đề xuất Chính phủ tăng phụ cấp theo nghề mức cao nhất với ngành y tế, Bộ còn đề nghị xếp lương bậc hai với tất cả hạng chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Trong đó, Bộ đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở. Dự thảo Nghị định đang trình cơ quan có thẩm quyền để ban hành.
Cử tri tỉnh Hải Dương đặt vấn đề về đề nghị nâng mức hỗ trợ người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Bà Lan cho biết khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, mức đóng của các thành viên sẽ giảm dần dựa vào số người tham gia (số người tham gia càng nhiều, mức đóng càng giảm). Bộ Y tế sẽ tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, trên cơ sở khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và thực tiễn để đề xuất Chính phủ xem xét vấn đề cử tri kiến nghị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.
Một trong những nguyên nhân chính họ nghỉ việc là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu sống, đặc biệt tại cấp y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong khi đó, áp lực và cường độ công việc tăng vọt khi dịch Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Trong khi đó, các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực y tế công.
Bộ Y tế kỳ vọng sẽ giải quyết một phần bài toán nhân viên y tế nghỉ việc nếu tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ, giảm bớt khó khăn.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng, bác sĩ sau 6 năm học y và 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hệ số 2,34, tức 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Tại hội nghị nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hồi cuối tháng 8, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho rằng mức phụ cấp cho nhân viên y tế như trên đã thực hiện hơn 10 năm, "không còn phù hợp". Cụ thể, phụ cấp trực 24/24h là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính, cũng thấp.