Các y bác sĩ Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 - thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đêm 21/3 vẫn tiếp tục nhận nhiều cuộc gọi báo có F0 nặng chuyển đến, song không còn dồn dập như vài tuần trước. Đơn vị tiếp nhận khoảng 10 đến dưới 20 F0 mới mỗi ngày; trước đó là 40 đến 50.
Phó giám đốc bệnh viện, PGS. TS Hoàng Bùi Hải, cho biết hiện số ca nhiễm mới tại Hà Nội giảm, đa số là bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng, được điều trị tại nhà. Nhờ đó, F0 nặng (thuộc tầng hai, ba) nhập viện giảm hơn 50%, còn khoảng 70 người; trong đó 20% thở máy, 80% thở oxy, hầu hết là bệnh nhân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi, có bệnh nền. Số nhân viên y tế rút gọn từ 250 xuống còn 130 đến 150 người, đáp ứng điều trị.
Theo bác sĩ Hải, lúc cao điểm nhất, cơ sở này phải áp dụng mô hình đa tầng hỗ trợ các bệnh viện khác trong theo dõi, điều trị F0. Kế hoạch giai đoạn hai của bệnh viện là 200 giường cũng lấp đầy người bệnh, tăng áp lực lên nhân viên y tế tuyến đầu. Hiện, đơn vị không bị quá tải do số ca giảm mạnh, từ đó gánh nặng lên nhân viên y tế giảm.
"Song đại dịch khó lường, chúng tôi không vội vàng dừng hoạt động mà vẫn tiếp tục duy trì điều trị bệnh nhân Covid, mục tiêu giảm tỷ lệ chuyển nặng, tử vong kết hợp phục hồi chức năng hậu Covid", bác sĩ nhấn mạnh.
Trong khi đó, số bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến cuối khác ở thủ đô cũng giảm khoảng 50% trong ba tuần gần đây.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) giảm từ hơn 250 bệnh nhân còn khoảng 100 người, nhân viên y tế rút gọn từ 160 người còn 70 người. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Đông) giảm từ 400 xuống còn khoảng 200 bệnh nhân; nhân viên y tế rút gọn một nửa, chỉ còn 100 người.
Ngoài ra, việc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên) áp dụng phương án hạ tầng điều trị - tức bệnh nhân chỉ cần qua giai đoạn nguy hiểm là có thể về nhà theo dõi tiếp, giúp giảm tải cho nhân viên y tế, cơ sở luôn sẵn giường cho F0 mới. Hiện, số người bệnh Covid tại đây giảm từ 400 xuống còn 150, 10 đến 15 ca nhập viện mỗi ngày; trước đó khoảng 50 người.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện cho biết áp lực điều trị giảm rõ rệt, "điều quan trọng nhất của ngành y tế hiện nay là giảm tử vong, giảm ca nặng và quản lý để tránh lây lan trong cộng đồng".
Đợt dịch thứ tư, Hà Nội ghi nhận tổng cộng hơn một triệu ca nhiễm Covid-19. Trung bình một tuần qua, thành phố ghi nhận hơn 20.000 ca bệnh mỗi ngày, riêng ngày 19/3 do bổ sung hơn 200.000 ca, song đang có xu hướng giảm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, sáng 17/3, Phó chủ tịch TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá thành phố đã kiểm soát được dịch, khi số F0 có xu hướng giảm, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện thấp, số ca tử vong giảm.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng nhận định công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn đang có dấu hiệu tích cực. Số ca mắc mới có xu hướng giảm, như ngày 11/3 ghi nhận gần 32.000, đến ngày 20/3 giảm còn hơn 19.000 ca.
Thành phố đang giao quận, huyện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động tiêm chủng, phấn đấu hoàn thành tiêm phủ mũi ba cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3. Ngành y tế thủ đô cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị để khi Bộ Y tế hướng dẫn và phân bổ vaccine thì có thể tiêm chủng ngay cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tính đến 21/3, thống kê từ Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội có gần 318.000 ca Covid-19 đang điều trị, trong đó 260 ca tại khu cách ly, hơn 2.700 ca tại bệnh viện (chiếm 0,94%), còn lại đang điều trị ở nhà. Số tử vong cũng giảm dưới 10 ca một ngày, riêng 20/3 ghi nhận ba ca, thấp nhất sau hơn hai tháng. Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao nhất cả nước.
Hiện thành phố mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện; đề nghị các bệnh viện trung ương như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Việt Đức, Bệnh nhiệt đới Trung ương, E,... hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Sở Y tế huy động thêm một số bệnh viện tuyến huyện ngoại thành tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây dành một nửa cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, nửa còn lại điều trị các bệnh khác.
Thành phố sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng một ngày. Các kế hoạch chống dịch tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng điều trị 100.000 ca nhiễm đã được chính quyền đề ra từ nhiều tháng trước.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá tỷ lệ tiêm vaccine của Hà Nội cao nên số ca nặng không nhiều. Ngoài ra, việc người dân được điều trị tại nhà và được test nhanh để khẳng định, cùng với kinh nghiệm phòng chống dịch qua các đợt đã giảm bớt áp lực cho y tế.
Theo ông, ngành y tế cần chú ý tăng cường các biện pháp phòng bệnh, như đảm bảo đầy đủ phương tiện bảo hộ cho nhân viên giúp họ không bị nhiễm bệnh, phải nghỉ việc. Nếu các địa phương thiếu hụt lực lượng này, cần thông báo kịp thời với cấp trên để có sự tăng cường, điều động kịp thời vì đây là nhân lực chủ chốt đảm bảo điều trị cho F0 tại nhà.
Bên cạnh đó, F0 cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách; vận động, thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống.
"Mọi người cần tự phòng bệnh, hạn chế việc tiếp xúc đông người, thực hiện tốt 5K... không "buông trôi, thả lỏng", để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình", ông Phu nói.
![Nhân viên y tế Bệnh viện điều trị Người bệnh Covid đang tập phục hồi chức năng hô hấp ở bệnh nhân F0 viêm phổi Ảnh:Bác sĩ cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/21/z2963717565502-a13cbe48e67ec18-9085-3332-1647866995.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=75dOIecKtVOR4EF9JbS7dw)
Nhân viên y tế Bệnh viện điều trị Người bệnh Covid đang tập phục hồi chức năng hô hấp ở bệnh nhân F0 viêm phổi Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Thùy An