Sáng 24/3, tại cuộc gặp mặt báo chí quý I, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, cho biết hiện đã cơ bản hoàn thành dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám chữa bệnh công lập cung cấp, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng trước khi ban hành dự kiến vào tháng 4.
Theo đó, bệnh viện được quyền quyết định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh và phải đảm bảo khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), khám cho người nghèo...
Các bệnh viện được áp dụng mức trần giá khám bệnh mỗi lượt 300.000 đồng, tiền giường nằm 3 triệu đồng một ngày. Các mức giá khác nhau tùy vào hạng bệnh viện, bác sĩ hay giáo sư... và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.
Hiện nay, các cơ sở y tế công lập áp dụng giá khám, tiền giường dịch vụ khác nhau do chưa có khung giá từ Bộ Y tế. Cụ thể, giá phòng dịch vụ từ 700.000 đồng đến 2,5 triệu đồng một giường mỗi ngày đêm. Như Bệnh viện Bạch Mai, phòng hai giường giá một triệu đồng/giường/đêm, ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phòng một giường giá hơn 2 triệu/đêm.
Như vậy, giá giường nằm đề xuất trong dự thảo thông tư cao hơn khoảng một triệu đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.
Về chi phí khám, có bệnh viện tại Hà Nội đang áp dụng 4 mức giá khám bệnh theo yêu cầu, như giáo sư khám giá 550.000 đồng, phó giáo sư khám 450.000 đồng, tiến sĩ khám thì 350.000 đồng, còn thạc sĩ khám giá 250.000 đồng. Giá khám mới được dự thảo đưa ra mức trần là 300.000 đồng, như vậy bệnh viện có thể quyết định giá khám bệnh với giáo sư, tiến sĩ... nhưng không được vượt khung này.
Việc cho phép các bệnh viện áp dụng giá trần, trong giai đoạn Bộ Y tế lấy ý kiến cho dự thảo thông tư, gây khá nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu "không cần khống chế trần, vì phụ thuộc thị trường, bệnh nhân có nhiều tiền thì trả tiền
Ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, chia sẻ thực tế vẫn cần phải kiểm soát giá dịch vụ này tại các bệnh viện, "không phải vì có thu nhập mà thả ra không quản lý".
"Bệnh viện phải được giám sát căn cứ áp dụng mức giá dịch vụ, tại sao tiền giường nằm của bệnh nhân 5 triệu hay 10 triệu đồng một ngày", ông Đức nói, thêm rằng không phải cứ bệnh nhân có tiền là trả nhiều tiền mà cần chi phí hợp lý.
Theo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu. HĐND cấp tỉnh quy định giá khám chữa bệnh với các bệnh viện trên địa bàn, nhưng không vượt khung giá tương ứng của Bộ Y tế. Bệnh viện công lập áp dụng giá với người không có thẻ BHYT dùng dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ BHYT chi trả mà không phải loại hình theo yêu cầu. Viện cũng được tự quyết định giá dịch vụ theo yêu cầu nhưng phải kê khai. Bệnh viện tư được quyết định và kê khai, niêm yết giá. Còn bệnh viện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quyết định giá khám chữa bệnh theo pháp luật về PPP. |
Lê Nga