Sáng 21/2, khu vực đăng ký khám, tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ có hàng trăm người đang chờ. Ở Khoa Cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng tất bật xử lý hàng chục bệnh nhân từ các nơi ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển đến.
S.I.S là bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ ở khu vực miền Tây Nam bộ. Tiến sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh đột quỵ ở Việt Nam đang gia tăng và bệnh nhân có khuynh hướng trẻ hóa, tạo áp lực lớn cho ngành y tế. Như tại bệnh viện, năm 2021-2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận cấp cứu 20-30 ca đột quỵ. Từ năm 2023, số bệnh nhân tăng lên rất cao. Sau Tết đến nay, mỗi ngày bệnh viện nhận 50-60 trường hợp cấp cứu đột quỵ, trong đó nhiều bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Bệnh viện có khoảng 200 giường cho bệnh nhân nội trú. Hiện, bệnh viện phải tăng thêm 50 giường. Theo tiến sĩ Cường, bệnh viện có kế hoạch mở rộng cơ sở, tăng cường liên kết nhằm tăng khả năng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.
Khoa Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đang quá tải bệnh nhân. Bác sĩ Hà Tấn Đức, Trưởng Khoa, cho biết khoa chỉ có 16 giường, trong đó 6 giường hồi sức cấp cứu, nhưng thường xuyên tiếp nhận 22-23 bệnh nhân. Sau Tết, lượng bệnh nhân tăng thêm 10%, có ngày đến 27 ca. Những thời điểm quá tải, giường kê chật, thiếu nhân viên y tế chăm sóc, bệnh nhân được xử lý qua giai đoạn cấp cứu đặc hiệu xong sẽ chuyển đến các khoa khác như hồi sức cấp cứu, nội thần kinh, ngoại thần kinh...
"Khoa Đột quỵ chỉ điều trị các bệnh nhân có can thiệp thôi, còn những trường hợp đến viện trễ hoặc có di chứng đột quỵ thì chuyển sang Khoa Nội Thần kinh điều trị giúp", bác sĩ Đức nói.
Cũng tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Khoa Tim mạch Can thiệp trong cảnh quá tải thời gian dài do tiếp nhận cả bệnh nhân tại Cần Thơ và trong khu vực. Bác sĩ Trần Văn Triệu, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp, nói rằng sau khi dịch Covid được khống chế, bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim tăng mạnh. Cao điểm là hôm 20/2, nơi đây có tới 9 ca cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp.
Khoa Tim mạch có 26 giường, do bệnh nhân quá đông, các khoảng không gian trống được tận dụng tối đa để tăng số giường lên 200%, "đảm bảo mỗi người một giường", bác sĩ Triệu nói và thêm rằng khoa có 8 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên và 14 điều dưỡng phải "chạy" tối đa để chữa trị bệnh nhân. Những năm vừa qua tỷ lệ can thiệp chữa trị thành công cho người bệnh lên đến 96%.
Như, khám cho người phụ nữ 58 tuổi vừa được can thiệp mạch vành hôm 20/2, bác sĩ Triệu cho biết bà bị khó thở, vào bệnh viện tại địa phương thì ngất xỉu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ thì ngưng tim, hồi sức tim đập trở lại, bà tiếp tục chuyển sang Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Xác định đây là trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ nhanh chóng chụp mạch vành trong 10 phút và can thiệp thông mạch thành công trong 15 phút. Hiện bệnh nhân tỉnh, phục hồi nhanh.
Về nguyên nhân bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim tăng, tiến sĩ Cường nhận định do người trẻ sử dụng thuốc lá, rượu bia quá nhiều. Ngoài ra, nhiều người thiếu hiểu biết, không chịu tìm hiểu về bệnh này để phòng tránh. Dịp Tết vừa qua, nhiều người có triệu chứng đột quỵ được đưa đến bệnh viện trễ, quá giờ vàng (6 tiếng đối với nhồi máu não và 4,5 tiếng đối với xuất huyết não).
"Thống kê sơ bộ, những ngày nghỉ Tết chỉ có 12% bệnh nhân được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng, sau đó tỷ lệ này tăng lên 33%", tiến sĩ Cường nói và cho biết bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong giờ vàng thì khả năng cứu sống 80-90%, còn vào viện trễ, khả năng tử vong tăng trên 90%.
Đột quỵ (tắc mạch máu não - nhồi máu não và xuất huyết não) để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Theo các bác sĩ, dấu hiệu là yếu một bên cơ thể, nói đớ, méo miệng, chóng mặt, đau đầu dữ dội.
Còn nhồi máu cơ tim là bệnh lý nội khoa cấp tính, nguy hiểm tính mạng. Triệu chứng là đau vùng ngực, lan ra hai cánh tay, lan lên cằm, khó thở, nặng ngực. Nhóm nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim là bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao...
Bác sĩ khuyến cáo khi có các dấu hiệu đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, nên đến bệnh viện can thiệp càng sớm càng tốt, giảm nguy cơ tử vong, tăng khả năng phục hồi.
Cửu Long