Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, việc chuyển đổi này nằm trong kế hoạch chủ động ứng phó Covid-19 của khối điều trị trong tình huống thành phố ghi nhận 5.000 trường hợp dương tính nCoV. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM sẽ dành 400 giường bệnh để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó có 46 giường hồi sức tích cực (ICU).
Theo ông Thượng, hiện các bệnh viện thành phố đã tiếp nhận hơn 500 người bệnh Covid-19, dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới. Để đảm bảo kịp thời đáp ứng điều trị, Sở đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM có kế hoạch cụ thể về chuyển đổi công năng các khoa, phòng để sẵn sàng giường bệnh tiếp nhận bệnh nhân.
Bệnh viện lên phương án tạm chuyển người bệnh nội trú mắc các bệnh nhiễm khác, ngoại trừ người bệnh uốn ván, đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố có khoa nhiễm để ưu tiên tiếp nhận người bệnh Covid-19. Viện cũng triển khai độc lập hai nhóm nhân viên y tế ở khu vực tiếp nhận điều trị Covid-19 và khu vực điều trị bệnh uốn ván nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Trao đổi VnExpress, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết kế hoạch chuyển đổi công năng này được Sở Y tế xây dựng ngay từ những ngày đầu có dịch.
Theo bác sĩ Châu, từ giữa tháng 5, khi tình hình dịch bệnh TP HCM bắt đầu diễn biến phức tạp, bệnh viện đã chủ động hạn chế ca nhập viện mới, cho xuất viện các bệnh nhân đã ổn, hội chẩn chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện đa khoa khác... để dần chuyển công năng các khoa lâm sàng, tiến tới đạt bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 với 400 giường.
Cách đây một tuần, bệnh viện đã tái cấu trúc khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn để điều trị các ca Covid nặng. Khoa dành một khu vực riêng cho bệnh nhân khác.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM có tổng số 550 giường. Bệnh viện giữ lại 100 giường điều trị các bệnh nhiễm đặc thù.
"Từ đầu tuần nay, bệnh viện tạm ngưng tiếp nhận người bệnh nhập viện trừ uốn ván, HIV nặng và sốt xuất huyết người lớn", bác sĩ Châu nói.
Ngày 9/6, bệnh viện còn 130 bệnh nhân không Covid-19. Hơn phân nửa số trên đang giai đoạn hồi phục, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Sở Y tế TP HCM hôm nay cũng yêu cầu Bệnh viện huyện Củ Chi chuẩn bị để sẵn sàng đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, nếu số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng sẽ đưa vào sử dụng. Nơi này sẽ xây dựng kế hoạch với quy mô điều trị Covid-19 tối đa là 500 giường, trong đó có 20 giường cấp cứu, hồi sức.
TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất. Từ ngày 18/5 đến 9/6, thành phố ghi nhận 480 ca Covid-19, hiện đứng thứ 3 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 này. Phần lớn các ca liên quan ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng, được phát hiện từ ngày 26/5.
Sở Y tế TP HCM ghi nhận, từ ngày 31/05 đến 9/6, đã có 550 ca Covid-19 điều trị tại các bệnh viện được phân công chuyên tiếp nhận, bao gồm các ca cộng đồng, trường hợp nhập cảnh, tái dương. Trong đó, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi điều trị 275 ca, Điều trị Covid-19 Cần Giờ 218 ca, Bệnh Nhiệt đới 33, Nhi đồng Thành phố 23, Chợ Rẫy một ca.
Bên cạnh các bệnh viện dã chiến Củ Chi, điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh Nhiệt đới và các bệnh viện chuyên khoa nhi, ngành y tế đã chủ động triển khai mô hình bệnh viện tách đôi "Split hospital" với 550 giường điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Từ khi bắt đầu bùng phát Covid-19, ngành y tế đã triển khai mô hình Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi và Cần Giờ để chuyên tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh, đạt hiệu quả cao.