Bệnh nhân nữ 18 tuổi, đến khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội với tình trạng đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đại tiện phân lỏng, ra máu nhưng không thường xuyên. PGS.TS. Nguyễn Quang Duật, khoa Tiêu hóa và Gan mật, chỉ định nội soi dạ dày - đại tràng kết hợp xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Kết quả kết luận bệnh nhân mắc bệnh Crohn ruột non - viêm ruột mạn tính.
Tương tự, bệnh nhân nam 11 tuổi, thăm khám tại khoa Nhi với tình trạng đau bụng cấp. Kết quả nội soi dạ dày phát hiện ổ loét ở tá tràng, đang rỉ máu, xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Hp. Bệnh nhân được tiêm cầm máu tại ổ loét và điều trị khuẩn Hp.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Gastroenterology & Hepatology (2020), tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột mạn tính (IBD) ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng đáng kể trong 25 năm qua, với khoảng 25% số ca được chẩn đoán trước 20 tuổi. Dữ liệu từ tổ chức NASPGHAN (North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology and Nutrition) cho thấy khoảng 25-30% bệnh nhân IBD được chẩn đoán trước 18 tuổi.
PGS Duật cũng cho biết bệnh nhân gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt viêm ruột có xu hướng gia tăng, nhất là ở các bệnh nhân trẻ, với hai đỉnh tuổi cao nhất là 17-19 tuổi và 25 tuổi. Đặc biệt là bệnh Crohn, với nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng như rò ruột, dính ruột và thủng ruột, đang trở thành mối lo ngại đối với các bác sĩ chuyên khoa.
"Nếu để tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn tới khó khăn trong việc hấp thụ calo và chất dinh dưỡng cần thiết. Bệnh nhân có thể chậm tăng trưởng, nếu ở độ tuổi nhỏ hơn thì có thể dậy thì muộn hơn bình thường", bác sĩ Duật nói.
Ngoài ra, theo thời gian, nếu tình trạng viêm không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tắc ruột; rò hậu môn; phình đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng; viêm đường mật xơ hóa nguyên phát; ung thư đại trực tràng.
Với hai bệnh nhân trên, nhờ quá trình phát hiện sớm, điều trị, theo dõi định kỳ sát sao, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, sinh hoạt và tăng cân tốt.

PGS.TS. Nguyễn Quang Duật thăm khám cho một bệnh nhân bệnh viêm ruột mạn tính. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Viêm ruột mạn tính là bệnh tồn tại dai dẳng, lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc điều trị cũng rất khó khăn vì nó liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Đặc điểm nổi trội của bệnh viêm ruột là trẻ thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy. Các triệu chứng khác bao gồm: xuất hiện máu trong phân, tiêu chảy kéo dài, mệt mỏi, mất ngủ, vật vã, có thể ra mồ hôi trộm, chán ăn, không muốn ăn, sụt cân bất thường, đầy bụng.
Tùy vào tình trạng cụ thể, lộ trình điều trị sẽ được cá thể hóa cho từng bệnh nhân, bao gồm: Chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân viêm ruột mạn tính cần được theo dõi định kỳ chặt chẽ bằng thăm khám lâm sàng, xét nghiệm phân, nội soi đại tràng tối thiểu 1 năm/lần trừ trường hợp có biến chứng như áp xe, thủng, hẹp ruột thì cần kết hợp phẫu thuật và nội soi khi cần thiết.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý, với trẻ từ 5 tuổi trở lên, nếu có dấu hiệu đầy bụng và trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn Hp thì nên được xét nghiệm Hp bằng nội soi, xét nghiệm phân hoặc hơi thở để phát hiện, từ đó có lộ trình điều trị tối ưu.
Lê Nga