Theo Health Sina, trĩ là căn bệnh phổ biến không chỉ ở lứa tuổi trung niên mà cả thanh niên. Nhiều người cho rằng đây là bệnh nhẹ, không nghiêm trọng nên không gấp rút chữa trị, song các chuyên gia cảnh báo quan niệm này rất sai lầm. Thực tế nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng vì xấu hổ nên chần chừ không đi khám chữa, đến khi bệnh trở nặng mới hối hận.
Bác sĩ Ann, Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị Trung Nhật, Trung Quốc cho biết, trĩ là một trong 10 bệnh phổ biến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, tỷ lệ mắc rất cao. Một trong những triệu chứng của trĩ là có máu trong phân. Các bệnh như viêm đại tràng, ung thư ruột kết, loét trực tràng cũng xuất hiện triệu chứng tương tự nên người bình thường rất khó phân biệt. Chỉ cần bất cẩn trong chẩn đoán bệnh trĩ thì nhiều khả năng sẽ bỏ qua dấu hiệu của các bệnh nặng khác. Theo thống kê lâm sàng, trong số những người đến bệnh viện điều trị trĩ thì có một đến 3% được chẩn đoán là ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ Ann khuyên không nên coi thường bệnh trĩ, song cũng không nên lo lắng thái quá khi cho rằng bệnh sẽ tiến triển thành ung thư. Bác sĩ nhấn mạnh, trĩ là bệnh thuộc nhóm huyết quản, còn ung thư phát sinh trên trực tràng, thượng bì, niêm mạc rồi biến đổi ác tính. Trĩ xảy ra ở tĩnh mạch huyết quản nên sẽ không biến thành ung thư. Tuy nhiên trĩ bao gồm nhiều biểu hiện của các bệnh nặng khác, nếu muốn chữa trị dứt điểm phải đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị.
Trĩ phát bệnh theo quá trình, gồm giai đoạn đầu, giữa và sau. Ở giai đoạn sau, hậu môn sẽ lộ hẳn ra ngoài. Phân từ hậu môn đẩy ra bên ngoài dựa vào cơ vòng co bóp hậu môn. Cơ vòng ở tình trạng bình thường mới có thể bài tiết phân tốt, nếu chức năng cơ vòng suy yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Do vậy các bác sĩ khuyên mọi người khi có một trong những dấu hiệu của bệnh trĩ cần đến bệnh viện có chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm, đừng đợi đến lúc bệnh trạng trở nên trầm trọng.
Bác sĩ Ann nói sự xuất hiện của bệnh trĩ có liên quan đến thói quen sinh hoạt nên nhiều trường hợp có thể ngăn chặn được. Đầu tiên phải giữ thói quen tốt như chú ý vệ sinh vùng hậu môn, sau khi đi vệ sinh không dùng giấy thô để lau. Hạn chế hút thuốc, uống rượu, dùng thức ăn cay. Tăng cường vận động và ăn uống hợp lý, hấp thu nhiều rau và trái cây để giúp đi ngoài dễ hơn.