Tại tập 4 chương trình truyền hình thực tế Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, ca sĩ Diệp Lâm Anh gây bất ngờ khi chia sẻ về căn bệnh trầm cảm cười bản thân mắc từ lâu. Người đẹp cho biết: "Chứng trầm cảm cười có biểu hiện là lúc nào đối mặt với thế giới xung quanh mình cũng muốn bản thân thật mạnh mẽ, phải cười, phải vui, nhưng khi tự đối diện với chính mình thì ngược lại hoàn toàn".
Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nói đến trầm cảm, mọi người thường nghĩ đến những biểu hiện buồn rầu, thời ơ, tuyệt vọng, chán nản. Nhưng còn có dạng trầm cảm mà rất ít người nghe đến, là trầm cảm cười.
Dấu hiệu trầm cảm cười (Smiling Depression) có thể bao gồm chán ăn hoặc rất thèm ăn. Một số người thay đổi về khẩu vị như thích ăn đồ ngọt nhiều hơn hoặc mất cảm giác ngon miệng. Điều này dẫn đến sự tăng hoặc giảm cân nặng thất thường.
Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ là triệu chứng rất thường gặp trong trầm cảm cười. Biểu hiện là khó vào giấc, ngủ không sâu, bồn chồn, thức dậy giữa đêm, dậy sớm và không thể ngủ lại được, đảo lộn giờ giấc sinh học như ngủ ngày quá nhiều và đêm trằn trọc khó ngủ.
Người bệnh thường có cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi, tự trách bản thân, thường hay suy nghĩ và dằn vặt về những lỗi lầm trong quá khứ, cảm thấy bản thân không có giá trị, tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống. Họ thường mất đi hứng thú những hoạt động mà trước đây họ từng thích làm. Mức độ nhẹ hơn, họ sẽ cảm thấy giảm năng suất và hiệu quả công việc, cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Các triệu chứng khác có thể gặp như chậm chạp hoặc có thể kích động tâm thần vận động, dễ cáu gắt, lo lắng, tay chân nặng nề. Thậm chí, một số người xuất hiện suy nghĩ tự sát hoặc có những hành vi tự hủy hoại, tự gây thương tích.
Trầm cảm cười là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt, mọi suy nghĩ và cảm xúc thật bên trong đều đã được che giấu bởi nụ cười và thái độ sống tích cực. Mặc dù vẻ ngoài luôn lạc quan, hạnh phúc nhưng bản thân người bệnh phải đấu tranh tư tưởng, giằng xé nội tâm, vật lộn với những mặc cảm, tội lỗi và bi quan về tương lai.
"Chính vì nỗi buồn của người trầm cảm ẩn đằng sau nụ cười, rối loạn trầm cảm không điển hình này có thể nguy hiểm do không được phát hiện kịp thời", bác sĩ nói. Hơn nữa trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống như đau lưng hoặc đau đầu, thiếu bạn bè hoặc người tâm sự, lạm dụng rượu hoặc thuốc tân dược để tự điều trị.
Không chỉ làm trầm trọng các vấn đề sức khỏe tinh thần, người bệnh có thể phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe khác như suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, đau nửa đầu, đau vai gáy và các vấn đề liên quan tới nội tiết.
Một số phương pháp tự nhiên cải thiện chứng trầm cảm cười, bao gồm tập thiền, yoga, các hoạt động thể chất. Các phương pháp điều trị rối loạn trầm cảm nặng bao gồm sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống.
Người mắc trầm cảm cười có thể không biết rằng họ mắc trầm cảm. Người bệnh thường khoác một vẻ ngoài năng động, vui vẻ, vì vậy việc chẩn đoán có thể không đơn giản. Để được chẩn đoán chính xác, cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Tỷ lệ tự tử ở những người mắc chứng trầm cảm cười có thể cao hơn so với người trầm cảm thường, chủ yếu do không chịu tiếp nhận sự hỗ trợ và điều trị chuyên khoa. Họ có thể cho rằng việc cảm thấy buồn bã và căng thẳng là một phần không thể thay đổi của cuộc sống, và do đó không tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết. Đây là một trong những lý do vì sao việc tăng cường ý thức và giáo dục cộng đồng về trầm cảm, cũng như khuyến khích việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng.
Thúy Quỳnh