Người gửi: Thu
Tôi có con đang học lớp 3 ở một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Hôm nay, con tôi nói lớp có các thầy cô khác dự giờ học. Để có buổi dự giờ hôm nay, cô giáo và các con đã luyện tập khá kỹ từ nhiều tuần trước, đến nỗi không có thời gian để cô giáo chấm bài hằng ngày của học sinh như mọi khi.
Và chỉ một nửa lớp tham gia buổi dự giờ, với các em có học lực tốt. Các học sinh này được dặn dò kỹ phải học thuộc và trả lời câu hỏi như thế nào. Nửa lớp còn lại thì được xuống thư viện ngồi chờ.
Thiết nghĩ, cho dù buổi dự giờ có mang tính chất là một buổi thi giáo viên dạy giỏi, hay một giờ dạy mẫu, hay có tính chất gì đi nữa (trừ khi đó là buổi luyện thi học sinh giỏi - điều này khó xảy ra) thì đối tượng phải là học sinh, với học lực đa dạng mới có thể đánh giá được chất lượng của giáo viên hoặc của buổi học.
Một lớp học toàn học sinh khá giỏi mà kết quả dạy tốt thì có gì đáng nói? Không biết đến bao giờ căn bệnh thành tích này mới chấm dứt đây?
Người gửi: Vũ Kim Chi,
Tôi thấy thật đáng tiêc khi đọc bài viết về "Bệnh thành tích trong một buổi giảng mẫu" mà phụ huynh nào đó đã viết và gửi trên VnExpress. Con tôi cũng học ở lớp 3 đó và tôi được biết rất rõ rằng việc chỉ có một nửa số học sinh tham gia buổi học có dự giờ của Sở vì lớp quá chật, trong khi có rất nhiều thầy cô giáo về dự giờ. Còn việc các cháu được chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi dự giờ cũng là chuyện bình thường. Điều mà chúng ta cần phải ghi nhận ở đây là cô giáo của lớp 3 đó là một cô giáo dạy rất tốt, có tâm huyết với nghề nên kết quả kỳ thi đầu năm của các học sinh do lớp cô giáo này chủ nhiệm đạt kết quả tốt nhất khối và có nhiều bài văn của các em viết rất hay. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo đã chia sẻ với chúng tôi các bài văn viết tốt và cả các bài văn viết còn có câu cụt, cần phải rèn kỹ hơn cho các con để các phụ huynh nắm rõ về tình hình học tập của lớp.
Chúng ta không nên hơi một chút thì đưa lên báo chí để bình luận, chê trách trong khi lại không ghi nhận những nỗ lực của các thầy cô giáo và kết quả thực tế của lớp, của trường.
Người gửi: Loan,
Cách đây vài năm, con tôi học lớp 9 một trường THCS ở Hà Nội. Có một hôm cháu khoe: chưa bao giờ bọn con được học một tiết Hoá thú vị như hôm nay, cô giảng rất dễ hiểu và có cả thí nghiệm minh hoạ nữa bởi vì có ban giám hiệu dự giờ!!!
Thời gian đó tôi không cho con đi học thêm ở lớp, chính cô giáo dạy Văn của cháu đã gọi điện đến nhà tôi và nói thẳng là: cháu nhà chị học yếu, ở trường chúng tôi những cháu nào học kém chúng tôi khuyên gia đình cho cháu chuyển trường để khỏi ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.
Sau đó tôi đã phải cho con đến học tại nhà cô, 50 nghìn đồng một buổi học, và chỉ có chép bài văn mẫu để về học thuộc. Cô giải thích với con tôi là khi thi chuyển cấp sẽ ngồi theo số báo danh nên xác xuất bài làm giống nhau là rất thấp, nên không phải lo (?). Điểm Văn tại lớp của cháu sau đó tiến bộ vượt bậc nhưng đến khi đi thi thì cháu chỉ được điểm 5.
Chuyện xảy ra đã mấy năm nhưng đến giờ nghĩ lại tôi vẫn rất buồn và thất vọng vì những giáo viên như vậy.