Người gửi: Minh Dung
Kính gửi VnExpress và bạn đọc. Con gái tôi vừa học xong lớp 2 trường "điểm" tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Năm học vừa qua lớp cháu có 41 học sinh thì 38 bạn đạt học sinh giỏi (có cháu nhà tôi), chỉ 3 bạn còn lại là học sinh tiên tiến. Riêng bạn lớp trưởng được tuyên dương "học sinh giỏi đặc biệt". Điểm thi của các cháu không có dưới 8.
Phân loại kết quả học tập của học sinh ngoài ý nghĩa để đánh giá thành tích còn có ý nghĩa quan trọng hơn là để khuyến khích các cháu thi đua học tập và giúp cho người dạy định vị được khả năng học tập của các cháu mà có các phương pháp dạy phù hợp. Vậy nên tôi băn khoăn liệu kết quả học tập của lớp cháu nhà tôi với tỷ lệ giỏi chiếm trên 90% còn có ý nghĩa kh uyến học hay chỉ là vấn đề thành tích?
Hồi còn đi học tiểu học, lớp tôi là lớp chọn cũng chỉ được vài ba bạn đạt giỏi, gần nửa lớp đạt tiên tiến, còn lại có cả trung bình và kém. Hơn nữa, còn có xếp thứ tự, bạn nào xếp thứ nhất, thứ nhì... thấy thật vinh dự. Tôi nhớ mình đã cố gắng rất nhiều để được xếp trên bạn ngồi cạnh.
Giờ xem lại thấy cách các thầy cô phân loại kết quả học tập của lớp ra nhiều cấp và có thứ tự kích thích chúng tôi thi đua nhau rất nhiều. Các bạn xếp loại thấp (trung bình, yếu) còn được bố mẹ và thày cô quan tâm dành nhiều thời gian dạy hơn, và các bạn ấy cũng có thái độ học tập rất khác các bạn giỏi hơn.
Khi nhìn con gái tôi thản nhiên cất cái giấy khen vào ngăn bàn như việc cháu đạt học sinh giỏi là điều rất bình thường, tôi chợt nghĩ liệu cháu có còn cố gắng để học tốt hơn nữa không? Hỏi chuyện cháu, cháu nói rằng 3 bạn viết thì "dòng nọ xọ dòng kia" mà cũng được học sinh tiên tiến. Vậy không biết bố mẹ ba bạn đó có ý thức được phải dành nhiều thời gian cho con mình không?
Nghe cháu nói mà tôi thấy buồn: "Con chả lo không được học sinh giỏi. Thi văn thì thế nào đề cũng giống như hai bài cô cho làm trước. Toán thì chả khó hơn bài tập về nhà. Con vẽ bình thường như ở mẫu giáo đã được A+ rồi. Thể dục có hơi kém tí vẫn được A. Bố mẹ lo gì?"
Đến buổi họp phụ huynh, cô chủ nhiệm nói "khuyết điểm của các cháu tôi nói ở đây, còn trong học bạ không ghi thế đâu ạ, chỉ ghi các ý tốt thôi". Tôi không hiểu dụng ý thế để làm gì nhưng tôi lo lắng sau này khi đọc học bạ, các cháu có bị nhầm lẫn và ảo tưởng về mình không?
Hỏi thêm các phụ huynh khác có con ở lớp khác và trường khác, giật mình khi thấy đều như thế cả. Tôi băn khoăn không rõ chủ trương nói không với bệnh thành tích mà Bộ GD&ĐT tiến hành từ 2 năm nay hiệu quả đến đâu? Các trường trung tâm thủ đô như vậy thì các nơi khác thế nào?
Chắc chắn tôi sẽ chia sẻ băn khoăn này với nhà trường nơi con tôi học. Nhưng trước khi gặp hiệu trưởng, tôi mong được bạn đọc VnExpress chia sẻ quan điểm, hoặc cùng lên tiếng để các các sở, các phòng giáo dục thay đổi vì tôi nghĩ không có giáo viên nào làm trái chủ trương của lãnh đạo.
Tôi đề nghị năm học tới cải tiến cách ra đề thi cho các cháu, cải tiến cách phân loại kết quả học tập, áp dụng xếp thứ tự kết quả học tập như trước đây. Cụ thể, tuyệt đối không cho các cháu thi theo đề bài đã cho ôn tập. Đề thi cần khó hơn các bài ôn tập để điểm thi không chỉ toàn 9 với 10, nhằm phân loại kỹ hơn năng lực tư duy của các cháu.
Bất kể nền năng lực chung của lớp so với lớp khác trường khác cao thấp thế nào, lớp các cháu cần phân loại học lực nhiều cấp và số cháu đạt giỏi (nếu có) không quá 10%. Hãy trung thực với năng lực học tập của các cháu! Kể các cháu có học giỏi thật, hãy đánh giá thấp xuống để cháu học giỏi hơn.
Có thể đề xuất của tôi tiêu cực nhưng tôi sẽ tìm trường nào dùng kết quả học tập để khuyến học để chuyển trường cho con nếu năm học tới trường cũ không có thay đổi. Nếu các vị phụ huynh cùng hưởng ứng, tôi nghĩ chả còn trường nào cần thành tích giáo dục ảo.
Cuối cùng, tôi không phải là nhà nghiên cứu giáo dục, nên rất mong được giới chuyên môn cũng như bạn đọc góp ý.
Bạn có gặp phải tình trạng tương tự? Hãy chia sẻ tại đây.