U nang có thể phát triển để thay thế mô thận bình thường theo thời gian, dẫn đến suy giảm chức năng thận và có khả năng dẫn đến suy thận.
Bệnh thận đa nang (PKD) hiện chưa có cách chữa khỏi nhưng điều trị triệu chứng và thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh có thể làm chậm sự phát triển của u nang, phòng suy thận.
Dấu hiệu và triệu chứng
Thông thường dấu hiệu đầu tiên của PKD là huyết áp cao. Bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau ở bên hoặc sau bụng.
- Bụng to hơn.
- Cảm giác đầy bụng.
- Máu trong nước tiểu.
- Nhiễm trùng bàng quang hoặc thận tái phát.
- Nhịp tim đập mạnh hoặc rất mạnh.
Nguyên nhân, phân loại
Bệnh thận đa nang có khả năng truyền từ cha mẹ sang con. Có hai dạng chính được phân loại dựa trên cách biến thể di truyền gây ra tình trạng này.
Bệnh thận đa nang trội nhiễm sắc thể thường
Đây là dạng phổ biến hơn, thường phát triển ở độ tuổi từ 30 đến 40. Nếu cha hoặc mẹ mắc dạng này thì mỗi đứa con sinh ra có khoảng 50% khả năng bị bệnh.
Bệnh thận đa nang lặn nhiễm sắc thể thường
Thận đa nang lặn nhiễm sắc thể thường ít phổ biến hơn và có xu hướng gây ra các triệu chứng từ thời thơ ấu. Cả cha và mẹ có gene biến thể mới di truyền cho các con, tỷ lệ là 25%.
Chẩn đoán
- Xem xét tiền sử sức khỏe gia đình.
- Siêu âm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Điều trị
Mục tiêu của điều trị là làm chậm sự phát triển của các nang trong thận, nhờ đó ngăn ngừa hoặc trì hoãn suy thận. Các thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát PKD. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tốc độ tiến triển, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc
Thuốc giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận ở người lớn mắc dạng trội nhiễm sắc thể thường. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát huyết áp
Đây là yếu tố chính để kiểm soát bệnh và có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ cũng như tổn thương thêm cho thận. Huyết áp có thể được kiểm soát thông qua thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục cùng một số loại thuốc nhất định.
- Kiểm soát cơn đau
PKD có thể gây đau do vỡ nang, nhiễm trùng hoặc sỏi thận. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ có thể kê đơn hoặc đề nghị dùng thuốc giảm đau phù hợp.
- Lọc máu (chạy thận nhân tạo)
Nếu chức năng thận suy giảm đến mức suy thận, người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo. Đây là quy trình lọc các chất thải và chất lỏng dư thừa khỏi máu thay cho thận.
- Ghép thận
Là một phương pháp thay thế cho chạy thận nhân tạo. Ghép thận có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh nhưng cũng có một số rủi ro nhất định.
- Thay đổi lối sống
Lối sống lành mạnh nói chung quan trọng đối với người bị thận đa nang. Một số thói quen tốt gồm không hút thuốc, hạn chế muối trong chế độ ăn uống, tập thể dục phù hợp và kiểm soát cân nặng.
Ngoài ra còn có một số khuyến nghị về lối sống dành riêng cho những người mắc PKD như uống nhiều nước trong ngày, tránh đồ uống có chứa caffeine. Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, uống nhiều nước có thể làm chậm sự phát triển của u nang, trong khi đồ uống có chứa caffein góp phần làm nang phát triển. Chế độ ăn hạn chế chất béo, calo cũng có thể giúp kiểm soát cân nặng, có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Biến chứng
- Huyết áp cao.
- Suy thận.
- Phình động mạch não.
- Các vấn đề về van tim.
- U nang gan.
- Viêm túi thừa (túi hoặc túi ở thành ruột già).
- Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
Bảo Bảo (Theo Everyday Health)