Trả lời:
Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới xảy ra khi hệ thống van tĩnh mạch bị hư hỏng, xuất hiện tình trạng máu chảy từ sâu ra nông và từ cao xuống thấp, gây đau nhức và cảm giác khó chịu hai chân. Bệnh biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy tĩnh mạch chân. Nhận diện đúng các yếu tố nguy cơ rất có ích trong việc chữa và phòng bệnh. Trong đó, di truyền là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy người có cha và mẹ cùng bị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, nguy cơ mắc bệnh của họ tăng lên 90%. Nếu chỉ cha hoặc mẹ bị bệnh, nguy cơ mắc bệnh là 25% đối với nam và 62% đối với nữ.
Bên cạnh di truyền, một số yếu tố nguy cơ khác là mang thai, lớn tuổi, nữ mắc bệnh cao hơn nam, béo phì cùng các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp, lối sống, thói quen... Chẳng hạn, những người làm việc với tư thế đứng hay ngồi trong thời gian dài, thói quen trong sinh hoạt như mặc quần áo bó sát ở phần trên cơ thể, thường xuyên đi giày cao gót, chế độ ăn ít chất xơ... dễ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Mẹ của bạn mắc bệnh suy tĩnh mạch chân, do yếu tố di truyền, nguy cơ mắc bệnh của con trong gia đình sẽ tăng. Tuy nhiên, sự hiện hữu của các yếu tố nguy cơ khác như giới tính, độ tuổi, số lần mang thai và sinh con, tính chất công việc và lối sống khác nhau, nên anh chị em trong gia đình có biểu hiện suy tĩnh mạch ở các mức độ khác nhau là có thể lý giải được.
Con của bạn có khả năng mắc bệnh cao hơn những người mà ba mẹ không mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi, bạn không nên lo lắng quá nhiều.
Bác sĩ Lê Thanh Phong
Khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy