Nếu coi tinh thần của người mắc trầm cảm là mũi tên đi xuống, thì ở người bị rối loạn lưỡng cực, mũi tên đó lại hướng về hai chiều xuống và lên. Theo bà Teresa Chan, cố vấn của tổ chức từ thiện Mind Hong Kong với sứ mệnh hỗ trợ những người gặp vấn đề tâm lý, bên cạnh các triệu chứng giống như trầm cảm bao gồm cảm giác mệt mỏi, chán nản, người bị rối loạn lưỡng cực còn có biểu hiện hưng phấn tột độ, tự tin, ganh đua và bồn chồn.
Sadie Kaye là biên tập viên truyền hình tại Hong Kong, mắc rối loạn lưỡng cực. Cô thành lập Bipolar Hong Kong - một nhóm hỗ trợ cộng đồng, và Mental Ideas - một nền tảng phim, truyền thông giúp nâng cao nhận thức về bệnh tâm lý.
"Cảm xúc hưng phấn có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm. Trong thời gian này, bạn có thể biến thành một con người táo bạo, nóng nảy, đầy đam mê, cảm hứng, quyến rũ và lôi cuốn. Sợ thất bại là thứ không có trong từ điển", Kaye mô tả.
Được truyền thứ năng lượng như vậy nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng Kaye cảnh báo: "Nếu tâm trạng của bạn lên xuống thất thường không vì lý do nào cả, bản thân bạn và những người xung quanh sẽ gặp khó khăn. Khi sự phấn khích tăng dần, thực tại và tưởng tượng có thể hòa làm một. Người bệnh như tôi có thể bị ảo giác hoặc ảo tưởng".
Kaye được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực vào năm 2011 sau trận chiến với căn bệnh Graves, một bệnh tự miễn dịch khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và gây viêm màng não. Nỗi sợ hãi trước bệnh tật làm trầm trọng thêm các triệu chứng lưỡng cực nhẹ và không được phát hiện trước đó của cô.
"Tôi từng trải qua những thái cực cảm xúc lẫn lộn, khiến tôi suýt nữa tự kết liễu đời mình. Tôi phải tìm đến một bệnh viện tâm lý ở Anh để điều trị", Kaye chia sẻ.
Bà Chan cho biết chứng rối loạn lưỡng cực rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng trong giai đoạn trầm cảm dễ gây nhầm lẫn. Bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia nếu cho rằng mình có biểu hiện của bệnh. Dù khó chẩn đoán, căn bệnh lại phổ biến hơn người ta nghĩ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 45 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý này. Những người nổi tiếng như Mariah Carey, Jean-Claude Van Damme, Russell Brand, Sting, Buzz Aldrin, Catherine Zeta Jones hay Frank Sinatra đều mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Điều trị chứng bệnh oái ăm này như thế nào? Theo bà Chan, việc chữa bệnh cần kết hợp giữa trị liệu bằng cách trò chuyện và dùng thuốc chứa lithium. Cái tên lithium bắt nguồn từ "lithos" trong tiếng Hi Lạp nghĩa là "đá". Đây là chất rắn nhẹ nhất, có tính hoạt động cao và dễ cháy. Bác sĩ tâm lý người Australia John Cade là người phổ biến công dụng của lithium trong việc cân bằng cảm xúc. Loại thuốc này giúp giảm nhẹ các triệu chứng hưng phấn và trầm cảm ở người bị rối loạn lưỡng cực. Một số nghiên cứu cho thấy nó có thể giảm nguy cơ tự tử.
Bên cạnh những buổi khám bệnh và thuốc men, Kaye cũng tuân thủ lối sống lành mạnh và sáng tạo. Sự sáng tạo hỗ trợ quá trình điều trị theo nhiều cách, bao gồm điều chỉnh cảm xúc và năng lượng, củng cố sự tự tin. Những phương pháp kết hợp cho hiệu quả lâu dài hơn và giúp cô tránh lạm dụng thuốc.
Cô tin rằng người bệnh cần một cách tiếp cận toàn diện. Theo đó, họ nên lựa chọn lối sống lành mạnh, tự theo dõi cẩn thận những thay đổi trong tâm trạng và nguyên nhân của chúng, cũng như tìm đến hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Chỉ dựa vào lời khuyên của các chuyên gia là không đủ, hãy chủ động và sáng tạo để kiểm soát căn bệnh thay vì trở thành nạn nhân thụ động.
Đây là lý do khiến cô nhìn nhận vấn đề của mình một cách tích cực. "Truyền thông thường khắc họa các vấn đề tâm lý như một rào cản, tập trung vào nỗi khổ của người gặp tình trạng đó. Tôi nghĩ nếu chỉ nhìn vào những mặt tối, cuộc đời sẽ rẽ hướng đến những chỗ nguy hiểm", Kaye cho hay.
Cô tránh dùng cách gọi "người phải chịu đựng" mà thay bằng từ "nghệ sĩ". Theo cô, giá trị của một cá nhân không thể bị bó hẹp vì rối loạn tâm lý. Bạn phải chấp nhận sống với nó, nhưng không để nó định nghĩa con người mình.
Là người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, Kay Redfield Jamison, giáo sư tâm thần học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cũng có quan điểm gần giống với cô Kaye. Giáo sư Jamison cho biết bà từng hy vọng được trở lại bình thường, nhưng rồi lại thích cái cảnh "sáng nắng chiều mưa" hơn là cuộc sống bình yên đến tẻ nhạt. "Tôi đã từ bỏ mong mỏi về một cuộc đời sóng yên biển lặng. Chính những phút giây bồn chồn rồi trống vắng, lo lắng rồi nhiệt huyết là biểu hiện của sức sống, làm thay đổi bản chất và định hướng sự nghiệp, đồng thời mang lại ý nghĩa và màu sắc cho các mối quan hệ của một người".
Đó chắc chắn là điều Kaye sẽ đồng tình. Qua bộ phim tài liệu The Bipolar Express do cô sản xuất, Kaye mong muốn lan tỏa ảnh hưởng tích cực và chủ động tới cách nhìn nhận của những người mắc và chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý. "Tôi muốn thay đổi cuộc sống của những người đồng cảnh ngộ theo cách thực tế và mới mẻ, bởi tôi tin rằng căn bệnh có thể là nhà tù, nhưng cũng là sự giải thoát", cô Kaye tâm sự.
Mai Dung (Theo South China Morning Post)