Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Quân y 175.
Dịch bạch huyết là một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp loại bỏ chất thải, vi khuẩn và các tế bào chết ra khỏi mô. Khi hệ thống bạch huyết bị tổn thương hoặc tắc nghẽn, dịch bạch huyết không thể thoát ra và dẫn đến phù nề.
Phân loại và nguyên nhân
- Phù bạch huyết nguyên phát:
- Di truyền, thường xuất hiện từ lúc sinh hoặc phát triển trong tuổi trưởng thành.
- Nguyên nhân do dị tật bẩm sinh trong hệ thống bạch huyết, dẫn đến sự phát triển không bình thường của các mạch bạch huyết.
- Các dạng chính của phù bạch huyết nguyên phát bao gồm:
- Bệnh Milroy (bẩm sinh): thường xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc những năm đầu đời.
- Bệnh Meige: thường phát triển trong giai đoạn tuổi dậy thì hoặc trưởng thành trẻ.
- Phù bạch huyết khởi phát muộn: xuất hiện sau tuổi 35.
- Phù bạch huyết thứ phát:
- Phổ biến hơn và thường là kết quả của tổn thương hoặc tắc nghẽn trong hệ thống bạch huyết.
- Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Phẫu thuật: sau phẫu thuật vét hạch điều trị ung thư, đặc biệt phổ biến trong các phẫu thuật ung thư vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt và da.
- Xạ trị: điều trị ung thư bằng tia xạ có thể làm tổn thương các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết, dẫn đến phù. Các tia xạ không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn có thể gây hại cho các mô bạch huyết khỏe mạnh xung quanh.
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng ở các hạch bạch huyết hoặc các mạch bạch huyết có thể làm sưng nề và tắc nghẽn. Một số loại nhiễm trùng như nhiễm trùng da (cellulitis) có thể gây viêm và làm trầm trọng thêm tình trạng phù bạch huyết.
- Chấn thương: chấn thương nặng hoặc vết thương gây tổn hại cho hệ thống bạch huyết có thể dẫn đến phù.
- Bệnh ký sinh trùng: một loại giun ký sinh có tên Wuchereria bancrofti có thể gây ra bệnh phù bạch huyết được gọi là phù voi (elephantiasis). Loại bệnh này phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Triệu chứng
- Phù bạch huyết có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, và thường tiến triển theo thời gian.
- Các triệu chứng chính bao gồm:
- Sưng nề:
- Đây là triệu chứng chính, thường xuất hiện ở cánh tay hoặc chân, nhưng cũng có thể xảy ra ở các vùng khác như ngực, lưng, cổ, mặt hoặc bộ phận sinh dục.
- Ban đầu, sưng có thể nhẹ và biến mất khi nâng cao chi, nhưng sau đó có thể tồn tại thường xuyên.
- Cảm giác nặng nề hoặc căng cứng: người bệnh thường cảm thấy chi bị sưng trở nên nặng nề và cứng, gây khó khăn trong việc di chuyển.
- Đau hoặc khó chịu: Sưng và căng có thể gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu.
- Giảm vận động: tình trạng sưng có thể giới hạn khả năng vận động của chi bị ảnh hưởng.
- Dày da và thay đổi kết cấu da: da ở vùng bị sưng có thể trở nên dày, cứng và xuất hiện các nếp nhăn sâu.
- Nhiễm trùng da: khu vực bị sưng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, do dịch bạch huyết tích tụ làm giảm khả năng phòng vệ của da.
Chẩn đoán
Thường dựa trên tiền sử bệnh lý, triệu chứng lâm sàng và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Các phương pháp chẩn đoán có thể bao gồm:
- Khám lâm sàng: sưng, căng cứng, đau và thay đổi kết cấu da.
- Siêu âm: kiểm tra tình trạng của các mô và xác định nguyên nhân.
- CT hoặc MRI: cung cấp hình ảnh chi tiết về các mô và mạch bạch huyết, giúp xác định mức độ và vị trí tắc nghẽn.
- Lymphoscintigraphy: đây là một kỹ thuật hình ảnh đặc biệt, sử dụng một chất phóng xạ tiêm vào cơ thể để theo dõi dòng chảy của dịch bạch huyết và xác định vị trí tắc nghẽn.
Điều trị
Điều trị phù bạch huyết tập trung vào việc giảm sưng nề và kiểm soát các triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Liệu pháp vận động: gồm các bài tập nhẹ nhàng để kích thích dòng chảy bạch huyết, cải thiện sự lưu thông và giảm sưng nề. Các bài tập thường tập trung vào việc tăng cường cơ bắp và cải thiện phạm vi chuyển động.
- Xoa bóp bạch huyết (MLD): là kỹ thuật xoa bóp nhẹ nhàng giúp di chuyển dịch bạch huyết ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Kỹ thuật này thường được thực hiện bởi các chuyên gia y tế được đào tạo, giúp tăng cường lưu thông bạch huyết và giảm sưng nề.
- Sử dụng băng ép: Băng ép hoặc vớ nén có thể giúp giảm sưng bằng cách ngăn chặn sự tích tụ của dịch bạch huyết trong các mô. Việc sử dụng băng ép cần tuân thủ đúng kỹ thuật để tránh gây tổn thương thêm cho vùng bị ảnh hưởng.
- Chăm sóc da: Việc giữ cho da sạch sẽ và khỏe mạnh là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng, vì vùng bị phù bạch huyết dễ bị tổn thương hơn. Người bệnh cần thường xuyên kiểm tra da để phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng và chăm sóc vết thương đúng cách.
- Phẫu thuật:
- Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được xem xét để loại bỏ các mô bạch huyết dư thừa hoặc để tái cấu trúc hệ thống bạch huyết.
- Các phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- Hút mỡ: loại bỏ các mô mỡ và bạch huyết dư thừa.
- Tạo các mạch bạch huyết mới: phẫu thuật tạo ra các đường dẫn bạch huyết mới để cải thiện dòng chảy bạch huyết.
- Ghép hạch bạch huyết: Chuyển các hạch bạch huyết từ vùng khỏe mạnh đến vùng bị ảnh hưởng để khôi phục chức năng bạch huyết.
- Sử dụng thuốc: một số loại thuốc có thể được sử dụng để giảm viêm và đau, nhưng không có thuốc đặc trị phù bạch huyết. Các thuốc lợi tiểu thường không được khuyến cáo vì chúng không giúp giải quyết nguyên nhân cơ bản của phù bạch huyết.
Chăm sóc và quản lý lâu dài
Phù bạch huyết thường mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với các phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh có thể kiểm soát được các triệu chứng và sống một cuộc sống bình thường. Quản lý lâu dài bao gồm:
- Theo dõi thường xuyên: người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng sưng và các triệu chứng khác để kịp thời điều chỉnh phương pháp điều trị.
- Giữ gìn sức khỏe tổng quát: duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để hỗ trợ hệ thống bạch huyết.
- Tránh các yếu tố nguy cơ: tránh các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phù, chẳng hạn như chấn thương, nhiễm trùng và tình trạng tĩnh tại.
Mỹ Ý