Khi bố của Jack nhìn thấy vết mẩn đỏ trên tay em hồi tháng 4, ông cho rằng cậu con đã dùng dung dịch khử trùng quá nhiều. "Tốt thôi, nhất là trong thời dịch bệnh thế này", ông nghĩ.
Vài hôm sau, mắt cậu bé trở nên bóng loáng, song gia đình em nghĩ đây là hậu quả của việc thức đêm chơi điện tử.
10 ngày tiếp theo, khi Jack liên tục có triệu chứng bất thường, họ mới vội vã hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa và đưa em đến phòng cấp cứu. Một buổi sáng, Jack tỉnh dậy và không thể cử động. Em phải nhập viện vì suy tim.
Cậu bé 14 tuổi, sức khỏe hoàn toàn bình thường, là ví dụ điển hình cho bệnh ‘viêm đa hệ’ – biến chứng hiếm ở người mắc Covid-19. Mỹ và châu Âu thời gian qua ghi nhận hơn 200 bệnh nhi gặp tình trạng này.
Thay vì nhắm vào phổi, hội chứng gây suy tim, dẫn đến tử vong. Các biểu hiện tương tự với bệnh Kawasaki, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Viêm đa hệ thường xuất hiện ở thanh thiếu niên mắc Covid-19 mà không có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
Tại một cuộc họp Quốc hội giữa tháng 5, tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, cảnh báo: "Chúng ta cần phải cẩn thận, không thể chủ quan và nghĩ rằng trẻ em hoàn toàn miễn nhiễm với Covid-19".
Trường hợp của Jack và các bệnh nhân khác là manh mối quan trọng để bác sĩ, giới chức y tế và các bậc cha mẹ tìm hiểu về căn bệnh bí ẩn.
"Cậu bé có thể đã chết. Một khi bị suy tim, rất nhiều tình trạng khác sẽ xảy đến. Nó gây ra suy giảm chức năng ở hàng loạt cơ quan, rất khó qua khỏi", bác sĩ riêng của em, ông Gheorghe Ganea, nhận định.
Ban đầu, cả Jack và cha mẹ đều không biết em đã nhiễm nCoV thế nào. Cậu bé chỉ rời nhà một lần để giúp mẹ giặt quần áo. Bố và chị gái Jack cũng tránh ra ngoài, xét nghiệm sàng lọc của cả hai âm tính virus.
Khoảng một tuần sau khi xuất hiện mẩn đỏ trên tay, Jack sốt gần 39 độ C, bị đau họng và được kê đơn thuốc kháng sinh. Sau vài ngày, các triệu chứng khác như sưng cổ, buồn nôn, ho khan, miệng có vị kim loại nhanh chóng xuất hiện.
Đến 25/4, em sốt cao hơn, hạch bạch huyết sưng lớn, nhịp tim nhanh dữ dội, cơ thể quằn quại và huyết áp thấp tới mức nguy hiểm.
"Cháu có thể cảm nhận được cơn đau chạy dọc mạch máu của mình, như thể có ai đổ lửa vào trong đó", Jack kể lại.
Tại Bệnh viện NewYork-Presbyterian /Weill Cornell, các bác sĩ đã tiêm truyền tĩnh mạch, cố gắng chẩn đoán bệnh tình của em. Jack không có biểu hiện suy hô hấp rõ rệt như các bệnh nhân Covid-19, song kết quả xét nghiệm dương tính.
Nhịp tim lúc nghỉ ngơi của cậu bé là 165 nhịp/phút, cao gấp đôi so với người bình thường vì phải hoạt động để bù lại huyết áp quá thấp, cản trở lưu thông máu và cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng. Đây là tình trạng sốc tim, một dạng của suy tim. Tiến sĩ Steven Kernie, trưởng khoa nhi, Đại học Columbia, cho biết Jack trải qua bệnh lý "rất nghiêm trọng".
Các bác sĩ không thể giải thích lý do chức năng tim của cậu bé đột nhiêm suy giảm. Cấu trúc của nó vẫn bình thường. Tuy nhiên các mạch máu khắp cơ thể em đều bị viêm. Họ cũng nghi ngờ Jack gặp biến chứng viêm cơ tim, nếu không điều trị sớm có thể gây tổn thương vĩnh viễn.
Ngày 29/4, thuốc huyết áp và mặt nạ oxy không còn tác dụng, bác sĩ chuẩn bị phương án cho Jack thở máy. Đây là viễn cảnh đáng sợ đối với bố em.
Tuy nhiên tình trạng của cậu bé khá hơn sau khi sử dụng steroid, có khả năng kháng viêm và tạm ngừng hệ miễn dịch. Trong vài giờ sau đó, Jack cần ít thuốc huyết áp hơn.
Bác sĩ không chắc chắn liệu steroid có phải thuốc giúp em khỏe lại hay không, nhưng kể từ đó, họ sử dụng cho các thanh thiếu niên nhập viện với triệu chứng viêm đa hệ, kết quả khá khả quan. Một tuần sau, Jack khỏi bệnh.
Trường hợp của cậu bé không những nghiêm trọng, nó còn phản ánh một mô hình dịch tễ mới đáng sợ, chỉ ra rằng nCoV ảnh hưởng đến các độ tuổi theo cách rất khác nhau. Nhiều trẻ viêm đa hệ nhưng âm tính virus. Đến khi làm xét nghiệm kháng thể, kết quả mới dương tính. Điều này gây khó khăn cho công tác sàng lọc.
Ngày 15/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết các triệu chứng điển hình của căn bệnh bao gồm sốt, dấu hiệu viêm loét, suy yếu nhiều cơ quan như tim, thận, mạch máu, ruột, da và dây thần kinh.
Thục Linh (Theo NY Times)