Allardice và người bạn đặt suất tiêm vaccine Pfizer lúc 18h30 ngày 18/3 tại Trung tâm Thể thao Phố Hiu Kwong, khu Kwun Tong. Song cả hai đã đến nhầm điểm tiêm phòng ở Trung tâm thể thao Vịnh Kowloon, cách đó 3 km, nơi chỉ sử dụng vaccine Sinovac. Họ được hướng dẫn vào bên trong sau khi xuất trình chứng minh nhân dân.
"Không có ai kiểm tra xem tôi đã đăng ký hay chưa. Mọi thứ chẳng rõ ràng. Nếu kiểm tra, họ sẽ biết ngay tôi chưa từng đăng ký tiêm ở Trung tâm thể thao Vịnh Kowloon", Allardice kể lại, hôm 4/4.
Ông cho rằng ban quản lý đã bất cẩn trong công tác chủng ngừa.
"Có những người không thích hợp với từng loại vaccine nhất định. Chẳng ai bảo tôi ‘Bạn đến nhầm chỗ rồi’ hay ‘Bạn tiêm nhầm vaccine rồi’. Sự cố cứ xảy ra như kiểu mọi thứ đều đang vận hành không đúng", ông nói.
Cục Dịch vụ Dân sự, đơn vị điều hành chương trình tiêm chủng của thành phố, thừa nhận nhân viên tiếp tân tại Trung tâm Thể thao Vịnh Kowloon đã để sót Allardice và bạn ông, cho phép họ tiêm chủng mà không hỏi giấy hẹn.
"Dù vaccine được sử dụng với sự đồng ý của người tham gia tiêm chủng, chúng tôi thành thật xin lỗi vì sơ suất này", phát ngôn viên cơ sở cho biết.
Song Allardice nói ông chỉ đồng ý tiêm vì tưởng đó là vaccine Pfizer, không phải Sinovac. Trung tâm Thể thao Vịnh Kowloon cam kết sẽ chỉnh đốn lại các nhân viên tiếp tân, tránh trường hợp tương tự xảy ra. Họ cũng sửa đổi cả tin nhắn nhắc lịch hẹn, đề cập đến tên vaccine và nhà sản xuất để người dùng dễ hình dung hơn. Khi được hỏi liệu điểm tiêm chủng có từng để xảy ra sự cố như trên hay không, người phát ngôn từ chối bình luận thêm.
"Tôi đã tuyệt vọng đi tiêm phòng để trở lại cuộc sống bình thường. Nếu mắc Covid-19, tôi không thể sống sót (vì có bệnh nền ung thư). Tôi đã mang cảm giác hoảng loạn đó hơn một năm nay. Đúng là tôi đến nhầm nơi, nhưng trách nhiệm sau đó thuộc về trung tâm tiêm chủng", Allardice nói.
Ông cho biết đã tham khảo rất kỹ ý kiến của bác sĩ điều trị ung thư trước khi lựa chọn vaccine Pfizer vì tỷ lệ hiệu quả cao hơn sản phẩm của Sinovac.
"Khi bạn đang làm hóa trị, độ bảo vệ sẽ giảm. Nó còn giảm thêm nữa do bệnh bạch cầu. Như vậy vaccine của Sinovac không còn bao nhiêu tác dụng, đây là điều tôi lo ngại. Tôi không thể tự tin ra ngoài như mình mong muốn", ông nói.
Allardice cho biết bác sĩ của ông đã sốc khi nghe về sự cố. "Anh ấy há hốc miệng ra và khuyên tôi không nên tiêm liều Sinovac thứ hai, nên tiêm vaccine Pfizer lại từ đầu", ông kể.
Thông thường, người dân Hong Kong đi tiêm chủng phải xuất trình tin nhắn văn bản xác nhận đã đăng ký cho nhân viên hành chính. Họ cũng được yêu cầu xem video giới thiệu vaccine và ký vào đơn đồng ý trước khi tiêm.
Alex Lam Chi-yau, chủ tịch Hội Quyền lợi Bệnh nhân Hong Kong, cho rằng việc không kiểm tra lịch hẹn tiêm chủng của người dân là "không thể chấp nhận được".
"Trung tâm y tế có trách nhiệm cuối cùng là giám sát, kiểm tra xem người đó đã đặt chỗ hay chưa, họ sẽ tiêm loại vaccine nào, liệu có nên sàng lọc trước để đảm bảo người dân đồng ý nhận loại vaccine đó hay không", bà nói.
Thục Linh (Theo SCMP)