Việc đẩy mạnh xuất khẩu vaccine trong bối cảnh các nước thu nhập thấp và trung bình thiếu nguồn cung nghiêm trọng có thể giúp Trung Quốc đạt được loại quyền lực mềm mới, tạo ảnh hưởng toàn cầu, theo phân tích của các chuyên gia thế giới.
Để ước tính phạm vi ngoại giao vaccine của nước này, Nikkei đã phân tích dựa trên thông tin từ UNICEF và dữ liệu do trang web chính phủ công bố. Kết quả cho thấy Trung Quốc đã viện trợ vaccine cho hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm đội ngũ bác sĩ và các nguồn lực khác cho các nước.
Theo công ty phân tích dữ liệu khoa học Airfinity, Trung Quốc đã xuất khẩu 115 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3, gấp đôi so với con số 63 triệu liều AstraZeneca đã xuất khẩu của Ấn Độ. Liên minh châu Âu chỉ vận chuyển 58 triệu liều vaccine đến Anh, Nhật Bản và các nước khác.
Không những vậy, Trung Quốc đã sản xuất 230 triệu liều vaccine, nhiều hơn so với Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Nước này đầu tư vào vaccine ngay sau khi đại dịch bùng phát, theo giám đốc Airfinity, ông Rasmus Bech Hansen. Trung Quốc cũng là nguồn cung nguyên liệu thô cần thiết trong sản xuất sinh phẩm.
Thành công dập dịch bước đầu cho phép Trung Quốc xuất khẩu lượng lớn vaccine. Trong nước, chương trình tiêm chủng tập trung vào các thành phố lớn. Tại Bắc Kinh, khoảng 9 triệu trên tổng số 21 triệu người dân đã tiêm chủng. Dù tỷ lệ tiêm vaccine chỉ ở mức 8 trên 100 người, công chúng không phản ứng dữ dội với động lực xuất khẩu của chính phủ.
Yếu tố khác giúp Trung Quốc vươn lên trong lĩnh vực xuất khẩu vaccine là tình trạng tranh giành nguồn cung để đảm bảo tiêm chủng toàn dân của các nước giàu có. Theo Đại học Duke, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia phát triển đã tích trữ gấp đôi số liều cần thiết. EU mua đủ vaccine để tiêm cho hơn 1 tỷ người, chiếm 20% số liều lượng của toàn thế giới. Tình hình này khiến nhiều nước thu nhập thấp và trung bình không còn lựa chọn nào khác ngoài Nga và Trung Quốc.
Nhiều nước phương Tây cũng chuyển hướng mua vaccine từ hai quốc gia này vì nguồn cung của các hãng khác đến chậm. Ấn Độ quyết định đình chỉ xuất khẩu vaccine AstraZeneca, để dành tiêm chủng nội địa do số ca nhiễm tăng mạnh. Động thái của Ấn Độ đã buộc Nepal mua 800.000 liều vaccine từ Trung Quốc.
Tại Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiêm vaccine của hãng dược Sinopharm trên truyền hình. "Tôi đã quay trở lại làm việc. Các bạn có thể thấy, tôi hoàn toàn ổn, các bạn cũng đừng lo sợ", ông nói.
Trung Quốc không giấu giếm ý định sử dụng vaccine vì lợi ích ngoại giao. Tuy nhiên, Matthew Mingey, nhà phân tích cấp cao của nhóm Chính sách Vĩ mô Trung Quốc, cảnh báo việc dựa phần lớn vào vaccine nước này để lại rủi ro nhất định.
Trung Quốc gần đây khởi động chương trình hộ chiếu vaccine (còn gọi là Giấy chứng nhận Sức khỏe Du lịch Quốc tế) và công bố kế hoạch đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho người nước ngoài đã tiêm vaccine Trung Quốc. Hộ chiếu vaccine chứng minh một người đã tiêm phòng Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính virus.
Nhiều quốc gia có kế hoạch tương tự nhằm khôi phục cuộc sống trước dịch, bình thường hóa hoạt động kinh tế. Song hộ chiếu vaccine gây tranh cãi vì có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa các nước. Ví dụ, Trung Quốc sẽ chỉ ưu tiên cấp Giấy chứng nhận Sức khỏe Du lịch Quốc tế cho khách nhập cảnh đã tiêm vaccine của nước này. Trong khi đó, vaccine Trung Quốc chưa được chấp thuận ở hầu hết các quốc gia công nghiệp.
Với sức mua lớn và lợi ích kinh tế mà người dân đại lục mang lại, các nước chưa chấp thuận vaccine Trung Quốc có thể cân nhắc về quyết định này.
Thục Linh (Theo Nikkei)