Chiều 26/8, PGS.TS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng bệnh nhân được cai máy thở sau hai ngày ghép tim. Bệnh nhân này quê Gia Lai, mắc bệnh cơ tim giãn, thường khó thở, thậm chí có lúc ngưng thở. "Nếu không được ghép tim, cơ hội sống cho bệnh nhân rất thấp", PGS Định nói.
Người hiến tạng là nam thanh niên 32 tuổi, chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Tim của anh được chuyển vào Bệnh viện Y Dược TP HCM, còn gan, thận, giác mạc ghép cho 5 bệnh nhân khác tại Hà Nội, hôm 24/8.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đến nay đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận và 53 ca ghép gan, song đây là lần đầu ghép trái tim. "Chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này từ lâu lắm rồi", PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc bệnh viện nói.
Bệnh nhân trên đăng ký danh sách chờ ghép tim của Trung tâm điều phối ghép tạng, song niềm hy vọng khá mong manh trong khi sự sống của anh được tính bằng ngày. Theo PGS Định, mỗi năm cả nước chỉ có vài trường hợp chết não hiến tạng, cơ hội tìm người hiến tạng phù hợp để ghép tim rất khó khăn, đặc biệt khi anh mang nhóm máu Rh âm tính là nhóm máu rất hiếm. May mắn, trái tim của người hiến lần này phù hợp với bệnh nhân trên.
Ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 5 giờ, từ nửa đêm 24/8 đến 3h ngày 25/8. Hàng trăm nhân viên y tế đã được huy động từ khâu chuẩn bị đến khi thực hiện. Áp lực lớn nhất của ca mổ là người được ghép tim có áp lực động mạch phổi khá cao, khiến anh gặp nguy cơ suy tim sau mổ. Mặt khác, bệnh nhân có nhóm máu Rh âm tính gây khó khăn khi xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp để truyền.
Sau ghép, tình trạng huyết động của người bệnh tương đối ổn định song cần theo dõi sát, đặc biệt trong ba ngày đầu.
Anh trai bệnh nhân gửi lời cám ơn gia đình người hiến tạng, nói thêm: "Thật sự kỳ diệu, em tôi đã được cứu sống, không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui và sự biết ơn của chúng tôi".
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo do mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...
Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Đây là trường hợp lấy - ghép mô tạng đầu tiên do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện, cùng sự phối hợp của các chuyên gia Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Mỹ Ý