Ngày 24/8, đại diện bệnh viện cho biết bệnh nhân chấn thương đầu nặng, hôn mê sâu, hàm mặt sưng nề, tụ máu vùng bụng và chậu. Các bác sĩ chẩn đoán đa chấn thương nghiêm trọng, chuyển ngay vào phòng mổ để can thiệp. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân xấu dần, sau gần hai tiếng xác định chết não. Gia đình quyết định hiến tạng của anh để mang lại sự sống cho những người khác.
Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện nói riêng và cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nói chung, thực hiện lấy - ghép mô tạng từ người cho chết não. Dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chiều 23/8 êkíp ghép hai thận cho hai bệnh nhân là một người đàn ông suy thận từ năm 2012 và một phụ nữ 42 tuổi suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020.
Lá gan người hiến được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trái tim được đưa vào TP HCM để ghép cho một bệnh nhân nam 37 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn nhận định nếu ca ghép thận thành công, bệnh viện sẽ có thể có thêm danh mục kỹ thuật ghép tạng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ chăm sóc sau ghép cũng như điều trị về sau.
Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết: "Tạng hiến của bệnh nhân là món quà vô giá, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ sự phối hợp của tập thể các bệnh viện".
Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Thúy Quỳnh