Tin vui này được bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chiều 28/9. Bệnh nhân là trường hợp thứ 6 ghi nhận tại miền nam, thứ 11 trên cả nước, bị ngộ độc botulinum do pate Minh Chay.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết hồi giữa tháng 9, khi 10 lọ thuốc giải độc được WHO tài trợ về đến Việt Nam, bệnh nhân này đã được sử dụng ngay một lọ.
Sau một tháng điều trị tích cực và dùng thuốc giải độc, sáng nay bệnh nhân có thể mở một phần hai mắt, há miệng, sức cơ tay chân cử động đạt 2/5 và 3/5. Khi bác sĩ Sang giơ ba ngón tay trước mặt, bệnh nhân nhìn và trả lời chính xác, tuy giọng còn yếu. Ông cũng bắt đầu nắm chặt được tay bác sĩ hay nhấc chân cao hơn mặt giường theo y lệnh, điều mà hai tuần trước ông bất lực.
Theo bác sĩ Sang, bệnh nhân đang được tập vật lý trị liệu tích cực hai lần mỗi ngày, bổ sung chất dinh dưỡng để sớm cai máy thở. Tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân cải thiện rất tích cực. Tình trạng nhiễm trùng phổi và các vấn đề khác được theo dõi nghiêm ngặt.
"Chúng tôi hy vọng đây là một trường hợp sẽ có cải thiện ngoạn mục, bệnh nhân nhanh chóng trở lại với những sinh hoạt bình thường", bác sĩ nói.
Trước đó, bệnh nhân khi ở Vũng Tàu đã ăn pate Minh Chay ba ngày liên tiếp. Đến 26/8, ông khởi phát đau bụng, buồn nôn, sụp mí mắt. Các triệu chứng nặng dần, bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Chợ Rẫy ngày 31/8. Sau đó, bệnh nhân hôn mê, liệt tứ chi, suy hô hấp, sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Các bác sĩ chẩn đoán ông ăn trúng lượng độc nhiều nên tình trạng ngộ độc kéo dài, mức độ nặng nề, tiên lượng phải thở máy kéo dài vài tháng.
Thư Anh