Khai trương đơn vị can thiệp nội mạch sáng 22/5, ông Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết kỹ thuật can thiệp nội mạch có ý nghĩa lớn với người dân trong tỉnh. "Trung bình mỗi ngày có một đến ba bệnh nhân cần can thiệp nội mạch phải chuyển lên tuyến trên, trong khi thực hiện tại chỗ sẽ tăng tỷ lệ thành công và giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh", ông Bửu nói.
Đơn vị can thiệp nội mạch hoạt động là kết quả sau ba năm Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị và nhận chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm can thiệp tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Hai hôm trước, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã thực hiện thành công một ca can thiệp nội mạch (đặt stent) cho bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ, đồng thời tiến hành 4 ca chụp mạch.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam, cho biết những bệnh lý liên quan vấn đề nội mạch thường rất trầm trọng, rất đột ngột, cần cấp cứu trong thời gian vàng 4-6 giờ kể từ khởi phát triệu chứng. Có đơn vị can thiệp nội mạch tại chỗ, người bệnh ở Đồng Tháp được cấp cứu kịp thời với phương tiện, kỹ thuật chuyên sâu mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Can thiệp nội mạch bao gồm mạch máu não, tim, tạng, chi thể với các bệnh lý như phình, vỡ, dị dạng, cục máu đông, các bệnh lý gián tiếp về mạch máu.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp đề nghị bệnh viện tính toán chi phí điều trị phù hợp với số đông người dân, không để xảy ra tình trạng kỹ thuật "mới toanh, sáng trưng" nhưng chi phí đắt đỏ, người bệnh không với tới.
Ngọc Tài