Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu trưa 5/9 vì sốt cao 39 độ C, lạnh run, tiêu chảy, nôn ói, đau bụng quanh rốn, mạch rất nhanh hơn 110 lần mỗi phút. Xét nghiệm dương tính, bà được chuyển sang khoa Covid-19 B2 điều trị.
Tình trạng nhiễm trùng kém đáp ứng kháng sinh, bệnh nhân sốt cao liên tục, ói, tiêu chảy, mạch rất nhanh 140-160 lần mỗi phút. Bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều vấn đề ở cả lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa nên đã kiểm tra thêm chức năng tuyến giáp, ghi nhận cường giáp rất nặng.
Bác sĩ chuyên khoa nội tiết Đặng Trúc Lan Trinh hội chẩn, chẩn đoán bệnh nhân có cơn bão giáp - cường giáp - Basedow mới phát hiện, dùng thuốc kháng giáp tổng hợp liều cao cùng các thuốc điều trị khác. Bác sĩ tim mạch cũng tham gia hội chẩn tình trạng rung nhĩ, tiên lượng bệnh nhân rất nặng.
Vài ngày sau, bệnh nhân tỉnh táo, bứt rứt, mạch rất nhanh khoảng 140 lần mỗi phút, sốt liên tục. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân đến khoa hồi sức để thay huyết tương. Sau ba lần thay huyết tương, tình trạng bệnh nhân cải thiện, giảm sốt, mạch chậm hơn, hết ói, hết tiêu chảy. Tuy nhiên, bà lại xuất hiện những cơn kích động, la hét, nói sảng nên được hội chẩn Bệnh viện Tâm thần TP HCM. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân rối loạn tâm thần do bệnh lý nội khoa nặng và được thêm thuốc chống loạn thần.
Ngày 18/9, bệnh nhân được chuyển lên khoa Covid-19 A3 trong tình trạng không tỉnh táo hẳn, còn nói những tiếng vô nghĩa, mạch khoảng 98 lần mỗi phút, không sốt, không đau bụng. Đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với đội ngũ điều trị vì tình trạng loạn thần cấp, nhiễm trùng huyết nặng, viêm phổi, giảm tiểu cầu do bệnh nặng và thuốc điều trị cường giáp, kháng sinh. Bệnh nhân còn bị đái tháo đường type 2, ăn uống kém, thất thường, kiểm soát đường huyết khó nên vấn đề dinh dưỡng cũng gặp trở ngại.
Các bác sĩ vật lý trị liệu kết hợp các bài tập về hô hấp, vận động. Sau 9 ngày điều trị tại khoa A3, bệnh nhân đã trở lại trạng thái gần như bình thường về tri giác, tỉnh táo hoàn toàn, các dấu hiệu sinh tồn và sinh hóa ổn định. Bệnh nhân vừa được xuất viện, tiếp tục điều trị thuốc cường giáp, đái tháo đường và được dặn dò kỹ chế độ ăn cũng như tái khám nội tiết khi hết thuốc hoặc có triệu chứng bất thường.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cơn "bão giáp" là một cấp cứu nội tiết hiếm gặp, đặc trưng bởi biểu hiện lâm sàng nặng lên đột ngột của tình trạng nhiễm độc giáp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, "bão giáp" trên bệnh nhân Covid-19 càng hiếm gặp hơn.
Tình trạng nhiễm độc giáp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hậu quả rất nặng nề với tỷ lệ tử vong cao lên đến hơn 30%. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực, thay huyết tương kịp thời là yếu tố quyết định tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.
Các thống kê trên thế giới ghi nhận tần suất mắc "bão giáp" khoảng 0,2/100.000 bệnh nhân một năm, tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Tỷ lệ tử vong ở bệnh này khoảng 10-20% và trên 30% khi xuất hiện tăng thân nhiệt, suy tim và rối loạn nhịp. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực, thay huyết tương kịp thời là yếu tố quyết định tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.