Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Tổng quan
- Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
- Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân.
- Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B.
- Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể 8-15%.
Các thể lâm sàng
- Viêm màng não mủ.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Sốc nhiễm khuẩn.
- Viêm khớp.
- Viêm màng ngoài tim...
Trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết thường gặp hơn.
Tác nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.
- Vi khuẩn có sức đề kháng yếu: bên ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, bị diệt ở 56 độ C trong 30 phút hoặc ở 60 độ C trong 10 phút. Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.
Nguồn bệnh
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người.
Thời gian ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thông thường 3-4 ngày.
Thời kỳ lây truyền
- Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn.
- Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Đường lây truyền
- Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các virus đường hô hấp.
- Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.
Tính cảm nhiễm
- Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi.
- Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả các trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn sinh miễn dịch.
- Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu sau khi nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn Neisseria meningitidis. Ảnh: dreamstime
Ai dễ mắc bệnh?
Bệnh do não mô cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc bệnh não mô cầu nhất bao gồm:
- Trẻ sơ sinh dưới một tuổi.
- Thanh thiếu niên và thanh niên.
- Những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà trọ hoặc doanh trại quân đội.
- Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột.
- Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành.
- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu.
- Những người có thể tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu trong ổ dịch.
Biểu hiện
Khi nhiễm vi khuẩn người bệnh thường sẽ xuất hiện những triệu chứng lâm sàng như sau:
- Sốt cao đột ngột 38-39 độ C, cảm thấy đau đầu dữ dội, rát họng, chảy nước mũi.
- Cứng cổ và gáy.
- Nôn, buồn nôn, toàn thân đau mỏi cơ khớp.
- Tinh thần bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê, rối loạn các chức năng não.
- Có dấu hiệu sợ ánh sáng.
- Bắt đầu xuất hiện các ban xuất huyết đặc trưng sau vài giờ khởi phát bệnh hoặc sau vài ngày. Các vết ban xuất hiện đầu tiên ở chân sau đó lan ra toàn cơ thể. Kích thước thay đổi dần từ vết nhỏ đến những mảng xuất huyết lớn làm bong và hoại tử da.
Đối với trẻ sơ sinh, các biểu hiện có thể sẽ không rõ rệt mà thay vào đó, trẻ quấy khóc liên tục, cơ thể lừ đừ, giảm hoạt động, nôn và có dấu hiệu co giật. Khi đó cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám phát hiện bệnh kịp thời. Nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.
Biến chứng
Nếu xuất hiện nốt tử ban ở vùng thân và hai chân, bệnh nhân biến chứng nhiễm độc nặng do vi khuẩn não mô cầu, ví dụ nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, não mô cầu có thể gây viêm ở ngoài màng tim, niệu đạo, phổi, kết mạc, khớp. Trong đó, viêm màng não do não mô cầu để lại nhiều di chứng về thể chất và tinh thần, như sẹo do hoại tử da, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ...
Chẩn đoán, xét nghiệm
Xét nghiệm phát hiện não mô cầu chủ yếu dựa vào xét nghiệm dịch não tủy vì vi khuẩn này tồn tại và phát triển chủ yếu trong dịch não tủy. Tuy nhiên, sau xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn cho kết quả dương tính, cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác để đánh giá và tiên lượng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Mặc dù vi khuẩn não mô cầu có mặt trong nhiều dịch tiết của cơ thể, song xét nghiệm có tỷ lệ dương tính cao nhất để phát hiện vi khuẩn này vẫn là xét nghiệm dịch não tủy.
Điều trị
- Điều trị dự phòng.
- Điều trị đặc hiệu.
Phòng ngừa
- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Mỹ Ý