Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa và ThS.BS Trần Thị Hoài Thu, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175.
Định nghĩa
- Alzheimer là bệnh lý não bộ do sự thoái hóa làm chết các tế bào thần kinh, thường bị nhầm lẫn là tình trạng giảm trí nhớ bình thường ở người lớn tuổi.
- Bệnh gây suy giảm trí nhớ, học tập và khả năng suy nghĩ.
- Bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian, ảnh hưởng tính độc lập của người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.
- Đôi lúc người bệnh gặp khó khăn trong việc tư duy, giao tiếp và có những hành vi, cảm xúc không phù hợp. Điều này đem lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
- Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ (60-70%).
- Ước tính khoảng 300.000-400.000 người Việt mắc bệnh Alzheimer.
- 60% người bệnh không được chẩn đoán.
- Bệnh có thể xuất hiện trong cơ thể từ trước thời điểm người bệnh có biểu hiện quên đầu tiên, có thể từ 5 năm, 10 năm và thậm chí 20 năm.
Cơ chế gây bệnh
- Quá trình thoái hóa khiến não bộ hình thành các mảng beta-amyloid và sự tích tụ bất thường của các protein tau.
- Các chất này khi lắng đọng lại sẽ làm tổn thương, ngăn chặn sự vận chuyển chất dinh dưỡng đảm bảo sự sinh tồn và hoạt động bình thường của các tế bào thần kinh, ảnh hưởng trí nhớ và các chức năng nhận thức khác của người bệnh.
- Từ đó, họ trở nên hay quên, gây ra nhiều lo âu cho người bệnh và người nhà.
Nguyên nhân
- Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer không chỉ có một mà là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố hàng đầu là tuổi tác.
- Một số ít trường hợp Alzheimer có thể xuất hiện sớm ở độ tuổi 30-60. Phần lớn trường hợp này có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác liên quan đến môi trường, tình trạng bệnh lý có thể có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển như:
* Chấn thương đầu.
* Xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
* Cuộc sống căng thẳng nhiều lo âu và thường xuyên mất ngủ.
* Lối sống không lành mạnh như ít vận động, ít rèn luyện trí óc, ít giao tiếp xã hội, thừa cân, hút thuốc lá, sử dụng bia rượu.
Triệu chứng
- Triệu chứng Alzheimer sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian.
* Ở giai đoạn sớm, các than phiền chủ yếu là giảm trí nhớ ở mức độ nhẹ.
* Khi bệnh trở nên nặng hơn, người bệnh lú lẫn nhiều, mất khả năng trò chuyện và tương tác với mọi người xung quanh, không thể tự mình ăn uống, tắm rửa hay vệ sinh cá nhân và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.
- Mỗi người bệnh đều có những biểu hiện khác nhau, không giống nhau hoàn toàn.
- Dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer:
* Giảm trí nhớ: Bệnh nhân quên các sự việc diễn ra gần đây. Các sự việc diễn ra đã lâu trong quá khứ, ban đầu người bệnh vẫn nhớ được, sau dần cũng bị mất đi và sự mất trí nhớ này là vĩnh viễn.
* Khó khăn trong việc diễn đạt bằng ngôn ngữ.
* Thay đổi hành vi, tâm trạng và tính cách.
* Khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc thường ngày.
* Khó khăn trong việc định hướng thời gian và vị trí của bản thân.
* Giảm khả năng đánh giá vấn đề, gây khó khăn trong việc quyết định công việc.
* Khó khăn trong việc theo dõi cuộc trò chuyện.
* Hay làm mất đồ, phải đi lục tìm đồ đạc thường xuyên.
* Gặp khó khăn trong việc hiểu các thông tin thông qua thị giác hay trong không gian. Ví dụ không xác định được màu đèn tín hiệu giao thông để dừng xe hay đi tiếp.
* Phải ngừng công việc hiện tại hoặc các hoạt động xã hội.
Chẩn đoán
- Đối với bệnh nhân có biểu hiện quên, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều công cụ và bài kiểm tra để đánh giá, chẩn đoán họ có thể mắc bệnh Alzheimer, bao gồm:
* Hỏi người bệnh và người thân về biểu hiện, thời gian và tiến triển bệnh, các bệnh lý mạn tính, thuốc đang sử dụng, thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng.
* Đánh giá trí nhớ, các chức năng nhận thức (tập trung, ngôn ngữ, chức năng điều hành, vận động không gian) và các rối loạn hành vi tâm lý bằng các bài kiểm tra đã được chuẩn hóa.
* Xét nghiệm máu, chụp hình ảnh học sọ não (CT scan, MRI sọ não).
* Xét nghiệm dịch não tủy, di truyền học, hình ảnh học hạt nhân (amyloid PET, tau PET) trong số ít trường hợp biểu hiện không điển hình.
- Những bài đánh giá này nhằm xác định những nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ như đột quỵ, u não, viêm nhiễm, bệnh Parkinson, rối loạn giấc ngủ, thiếu dinh dưỡng hay do tác dụng phụ của thuốc.
- Một số nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy nếu điều trị được có thể làm cải thiện tình trạng bệnh.
Nguy cơ tử vong
- Trung bình người bị mắc bệnh lý này có thể sống được 8-10 năm kể từ khi có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp có thể sống lâu hơn nếu được phát hiện, điều trị và quản lý đúng cách.
- Những người bệnh Alzheimer giai đoạn nặng không thể tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt tại chỗ và phụ thuộc hoàn toàn vào người nhà. Hoạt động của đường tiêu hóa và tiết niệu bị suy giảm. Lâu dần, họ mất khả năng nuốt, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng và hít sặc. Do đó, người bệnh thường tử vong do các bệnh lý có liên quan như viêm phổi, nhiễm trùng vết loét, bệnh lý tim mạch, thuyên tắc phổi, suy dinh dưỡng và mất nước...
Điều trị
- Hiện nay, chưa có cách nào để điều trị khỏi bệnh Alzheimer. Mục tiêu chính là:
* Làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng.
* Giúp người bệnh sống chung với các triệu chứng bệnh một cách nhẹ nhàng hơn.
* Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Thuốc điều trị bệnh bao gồm:
* Nhóm thuốc cải thiện trí nhớ, nhận thức.
* Nhóm thuốc điều chỉnh hành vi tâm lý.
* Hiện nay, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã chấp thuận nhóm thuốc mới như Lecanemab và Aducanumab trong điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn sớm, giúp ngăn chặn sự hình thành mảng beta-amyloid - dấu chỉ điểm của bệnh. Các loại thuốc này cần được kê đơn và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
- Tập luyện, phục hồi và kích thích nhận thức cũng là một biện pháp cần thiết và hữu ích khi phối hợp với thuốc điều trị.
- Bác sĩ chuyên khoa tư vấn các bài tập luyện não bộ phù hợp với tình trạng và giai đoạn bệnh của từng cá nhân.
- Người bệnh Alzheimer cần được xây dựng một chế độ dinh dưỡng, tập luyện và lối sống lành mạnh để giúp ổn định tình trạng bệnh, kiểm soát các yếu tố có thể thúc đẩy tình trạng bệnh nặng hơn.
- Sự động viên, đồng hành của người thân rất có ý nghĩa và cần thiết, giúp người bệnh Alzheimer lạc quan hơn, vui vẻ hơn để có niềm tin vào hành trình chiến thắng bệnh tật.
Phòng ngừa
Chúng ta có thể làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer bằng nhiều cách như:
- Vận động trí óc, không ngừng học hỏi.
- Duy trì cân nặng thích hợp.
- Cải thiện chế độ ăn uống, dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin B12, D và E.
- Ổn định huyết áp, lượng đường trong máu.
- Tập thể dục.
- Không hút thuốc, uống quá nhiều bia rượu.
- Cải thiện giấc ngủ.
Mỹ Ý