Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK2 Nguyễn Tuấn Đạt, Chủ nhiệm khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Nguyên nhân
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây nên, cụ thể là các nhóm nguyên nhân sau:
- Lây truyền trong quá trình giao hợp bằng đường hậu môn, âm đạo, miệng.
- Nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc với vùng bị nhiễm bệnh của người khác, bao gồm: dương vật, âm đạo, miệng, hậu môn.
- Truyền từ mẹ sang con khi sinh thường.
Vi khuẩn lậu không có khả năng tồn tại lâu ở bên ngoài cơ thể, do đó rất ít nguy cơ mắc bệnh khi chạm vào các đồ vật như bệ ngồi trong nhà vệ sinh, quần áo...
Dấu hiệu
Ở nam giới, bao gồm cả nam chuyển giới, nữ chuyển giới và người thuộc giới tính thứ 3 (song tính) có dương vật, thường có triệu chứng rõ hơn khi mắc bệnh lậu. Thời gian ủ bệnh từ một vài ngày cho đến một tuần. Trong thời gian ủ bệnh, các triệu chứng mờ nhạt và người bệnh thường bỏ qua. Khi phát bệnh thường có những triệu chứng sau: Lỗ sáo dương vật tiết dịch màu trắng, vàng hoặc xanh lá cây; đau rát khi đi tiểu; khó tiểu, đau và sưng tinh hoàn.
Ở nữ, bao gồm cả phụ nữ chuyển giới, nam chuyển giới và người thuộc giới tính thứ 3 (song tính) có âm đạo, thường không có triệu chứng rõ rệt khi mắc bệnh lậu. Đây là lý do tại sao cần xét nghiệm để phát hiện phơi nhiễm.
Một số dấu hiệu điển hình có thể nhận thấy bao gồm: Âm đạo tiết dịch màu vàng hoặc trắng bất thường; đau vùng bụng dưới hoặc xương chậu; đau khi quan hệ tình dục; đau hoặc rát khi đi tiểu, khó tiểu; chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh.M
Mọi giới tính đều có thể bị nhiễm bệnh lậu ở cổ họng (thông qua quan hệ tình dục bằng miệng trên bộ phận sinh dục hoặc hậu môn) hoặc trực tràng (thông qua quan hệ tình dục đường hậu môn). Những loại này thường ít phổ biến hơn với triệu chứng cụ thể như cổ họng ngứa ngáy, khó chịu, đau nhức, khó nuốt; hậu môn ngứa, tiết dịch, đau khi đi đại tiện.
Biến chứng
Ở nữ, bệnh lậu có nguy cơ để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể gồm:
- Theo thời gian, vi khuẩn sẽ di chuyển vào đường sinh sản, ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh viêm vùng chậu (PID) với các triệu chứng đau đớn dữ dội.
- Viêm mủ vòi trứng thường để lại sẹo ở ống dẫn trứng khiến khó mang thai, có thể thai ngoài tử cung (xảy ra khi trứng được thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung).
- Lây truyền sang trẻ sơ sinh trong khi sinh.
Ở nam, một số biến chứng nghiêm trọng gồm:
- Hình thành sẹo ở niệu đạo.
- Hình thành áp xe bên trong dương vật, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Viêm mào tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh gần tinh hoàn.
- Nhiễm trùng lan vào máu gây ra các biến chứng hiếm gặp và nghiêm trọng như viêm khớp, tổn thương van tim...
Điều trị
- Điều trị bệnh lậu ở người trưởng thành:
Các trường hợp này thường được chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Hiện nay, chủng Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc đang nổi lên, do đó bệnh lậu không biến chứng nên được điều trị bằng thuốc Ceftriaxone hoặc Spectinomycin dạng tiêm kết hợp Azithromycin đường uống.
Nếu người bệnh di ứng với thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin, bác sĩ có thể chỉ định dùng nhóm Quinolon đường uống hoặc Gentamicin đường tiêm và Azithromycin đường uống.
- Điều trị bệnh lậu cho đối tác quan hệ tình dục:
Đối tác quan hệ tình dục của người mắc bệnh lậu nên đi xét nghiệm ngay kể cả khi không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
- Điều trị bệnh lậu cho trẻ sơ sinh:
Người mẹ mắc bệnh lậu có thể lây truyền sang trẻ nhỏ trong quá trình sinh. Đối với trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Phòng ngừa
Cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh lậu là quan hệ tình dục an toàn. Giải pháp là luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Không quan hệ tình dục với người đang có triệu chứng nhiễm trùng hoặc bệnh lậu. Tránh quan hệ cùng lúc với nhiều người. Đi xét nghiệm ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Đi xét nghiệm bệnh lậu và cả bạn tình của bạn cũng đi xét nghiệm.
Lê Nga