Ổ dịch mới được phát hiện tại nhà ông Nguyễn Viết Công, trú thôn Thượng Lội, xã Quang Lộc. Ngày 30/9, con lợn nái sắp đẻ của gia đình ông Công bỏ ăn, táo bón, hai ngày sau bị chết. Gia chủ báo cáo sự việc với cán bộ thú y, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Đoàn Minh Lương - Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc, trước đó hai hộ nuôi cùng thôn với ông Công cũng xuất hiện tình trạng lợn chết, dương tính với dịch, số lợn phải tiêu hủy của ba gia đình đến nay là 15 con.
Ngoài ra, lợn của một số hộ dân ở các thôn lân cận như Yên Lạc, Ban Long cũng bỏ ăn. Chính quyền xã Quang Lộc đã cấp một tấn vôi bột rải tại các hộ nuôi, lập ba chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ, phun khử trùng toàn thôn Thượng Lội ngăn dịch lây lan.
"Năm 2019, xã Quang Lộc bùng phát dịch, phải tiêu hủy hàng chục tấn lợn. Đợt mới này có thể do tái phát ổ dịch cũ. Ngoài ra, một vài hộ dân trên địa bàn mua lợn ở nơi khác về nuôi mà không khai báo với cơ quan thú y, khi con vật bị chết thì tự động chôn, đó cũng là yếu tố khiến khó kiểm soát dịch", ông Lương nói.
Trong năm 2020, dịch tả lợn châu Phi tái phát ở Hà Tĩnh khiến 92 con lợn của 24 hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh bị chết, tổng số lợn phải tiêu hủy là 5,7 tấn. Từ tháng 8 đến lúc dịch tái phát ở huyện Can Lộc, tỉnh không phát sinh ca bệnh mới.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên đầu tháng 2/2019, trong vòng 7 tháng, dịch lan ra 63 tỉnh, thành. Khoảng 6 triệu con lợn, tổng trọng lượng gần 340.000 tấn đã bị tiêu hủy, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch.