Ngày nay, khi phương tiện thông tin đại chúng phát triển thì thông tin được cập nhật dễ dàng và nhanh chóng hơn, các phương tiện đó cũng là nơi phản ánh và đăng tải quan điểm của cộng đồng. Bên cạnh những mặt tích cực thì biểu hiện tiêu cực cũng không ít mà tiêu biểu là thói "hôi" của người Việt.
Cái "hôi" đầu tiên phải nói tới là nạn hôi của. Tệ nạn này tuy không phổ biến rộng nhưng nó vẫn thường xuyên diễn ra và tốn không biết bao giấy mực. Chỉ đến khi chiếc xe tải chở bia gặp nạn ở vòng xoay Tam Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai) và bị người dân hôi của thì dư luận mới thực sự sục sôi.
Chính quyền lên tiếng, xử lý hình sự thì nhận thức về hôi của đã khá hơn, thế nhưng, đến khi vụ đập phá của công nhân ở Bình Dương diễn ra thì tình trạng trên lại như cũ và mới nhất là hình ảnh một chị bán rau ở Nghệ An bị gió thổi tung rổ tiền lẻ cũng bị mọi người xung quanh hôi mất.
Có lẽ cái tâm lý của rơi ra đường là của mình, mình không lấy thì người khác cũng lấy đã ảnh hưởng sâu đến tâm trí người hôi của. Nhìn sang nước Nhật, hình ảnh một ông lão đánh cá vớt được lượng tiền rất lớn sau thảm họa sóng thần nhưng lại giao nộp cho nhà chức trách mới cảm thấy buồn.
Cái "hôi" thứ hai là hôi chửi. Có nhiều sự việc hay nhân vật được đăng tải lên mạng thì cộng đồng lại sục sôi soi mói, bóc mẽ và thay nhau dùng những lời khiếm nhã để bình phẩm.
Người ta sẽ đua nhau dùng những lời chửi càng độc đáo, càng cay nghiệt để lấy phần hơn. Có nhiều thứ không liên quan tới bản thân họ và họ hoàn toàn không hiểu biết nhưng vẫn "anh hùng bàn phím" vào chửi khí thế vì lẽ đơn giản trên mạng có ai biết mình là ai đâu.
Hai phạm trù nhỏ hơn của "hôi chửi" là "hôi chê" và "hôi đòn". Gặp kẻ cướp giật thì ai cũng ngại và tránh vì sợ vạ lây nhưng lỡ bắt được nó thì ai cũng nhanh nhảu vào "hôi đòn" như giành công về mình.
Còn về "hôi chê" thì miễn bàn, mọi người cứ lên các diễn đàn, mạng xã hội sẽ thấy người ta chê tới tấp một nhân vật, một sự việc, thậm chí cả một cộng đồng rộng lớn mà bản thân họ không có tí kiến thức gì về việc đó.
Điển hình khi bàn về bóng đá Việt Nam, bạn sẽ thấy rất nhiều gạch đá chê VFF, chê V- League trong khi những người đó thậm chí chưa bao giờ tới sân xem một trận V- League.
Ngay cả tổ chức đại hội thể thao hàng đầu châu lục là Asiad cũng phải nhận hàng tá những lời chỉ trích như "chỉ có ở ao làng Châu Á" mà không hề biết rằng thể thao Châu Á đang phát triển tới đâu. Nhưng đau nhất có lẽ là nạn kỳ thị người Việt, dân tộc Việt từ chính cộng đồng người Việt, kiểu như: Việt Nam là thế, người Việt Nam là vậy, chỉ có ở Việt Nam…
Cái "hôi" cuối cùng tôi muốn đề cập là "hôi khen". Kiểu hôi này mới xuất hiện nhưng không kém phần rầm rộ.
Khi nhân vật nào xuất hiện được cộng đồng khen ngợi thì sẽ có rất nhiều người xúm vào "khen lấy khen để". Họ sẽ dùng toàn những lời có cánh và tự cho mình là fan trung thành của nhân vật đó, mặc dù bản thân họ không hiểu biết về lĩnh vực nhân vật đó tham gia, những nhân vật khác sẽ bị đem ra soi mói, xỉa xói khi luôn bị so sánh với nhân vật chính.
Cuộc chiến của fan Messi và fan Cristiano Ronaldo, Fan U19 với fan bóng đá nói chung luôn dai dẳng mà lên diễn đàn bóng đá mới thấy cái cuồng của nhiều người, chỉ cần đọc những bình luận của họ sẽ biết được trình độ hiểu biết bóng đá của họ ra sao.
Dân tộc ta luôn tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhân cách đạo đức... nhưng một bộ phận không nhỏ người Việt đã thay đổi nhân cách sống, vì thế bị chính cộng đồng miệt thị huống chi là người nước ngoài.
Tôi nghĩ, tự bản thân mỗi người chúng ta nên nhìn nhận và vận động những người xung quanh ta thay đổi.
>> Xem thêm: Khi người Việt đi máy bay
Lê Minh Tây
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.