Khám tại bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec), ông được chẩn đoán glôcôm tái phát và được điều trị bổ sung bằng các thuốc tra mắt đặc trị.
ThS.BS. Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc bệnh viện, người trực tiếp khám cho ông, cho biết mắt bệnh nhân vẫn giữ được nhãn áp và các chức năng thị giác ổn định với các thuốc tra mắt. Tuy nhiên, mắt mờ đi nhiều so với trước do nhân mắt đã đục và có chỉ định phẫu thuật.
"Phẫu thuật đục thủy tinh thể đúng lúc cũng giúp làm giảm nguy cơ gây tăng nhãn áp cho mắt, đặc biệt trên những mắt đã có tiền sử", bác sĩ Sanh nói.
Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường. Bệnh có thể có tăng nhãn áp hoặc không nhưng thường tiến triển âm thầm gây tổn thương mắt không hồi phục. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, glôcôm có thể dẫn đến mù lòa.
Một số triệu chứng như nhìn đèn có quầng xanh đỏ, thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động, nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần. Giai đoạn muộn, người bệnh có cảm giác như nhìn qua một ống hẹp (thị trường hình ống), mắt sưng nề, cứng như hòn bi. Bệnh nhân còn có thể nôn hoặc buồn nôn.

ThS. BS. Nguyễn Văn Sanh phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Glôcôm nguyên phát có hai hình thái: góc đóng và góc mở. Cụ thể, glôcôm góc đóng nguyên phát gặp nhiều ở người châu Á từ 35 tuổi trở lên, do cấu trúc nhãn cầu nhỏ hơn người châu Âu. Tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn; nữ bị nhiều hơn nam, đặc biệt ở tuổi mãn kinh, tỷ lệ bệnh ở nữ cao gấp 4 lần so với nam giới.
Còn glôcôm góc mở thường gặp hơn ở người da trắng, từ trên 40 tuổi, người bị cận thị, tuổi càng cao nguy cơ bị càng lớn. Những người ruột thịt của bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh gấp 5-6 lần.
Ngoài ra còn có hình thái glôcôm giả bong bao, glôcôm thứ phát do tác dụng phụ của một số loại thuốc, sau chấn thương, viêm màng bồ đào và một số bệnh lý khác kèm theo (glôcôm tân mạch/bệnh nhân có tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc đái tháo đường)... Bệnh nhân bị glôcôm có thể có các bệnh phối hợp kể trên, đặc biệt ở những người cao tuổi. Vì vậy, glôcôm đã được xác định chẩn đoán và điều trị, kể cả đã phẫu thuật, người bệnh vẫn cần được theo dõi định kỳ tại mắt và toàn thân.
Với glôcôm góc đóng, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc chế độ kiểm tra mắt, đo nhãn áp 3 tháng một lần trong một năm đầu, sau đó cứ 6 tháng đến một năm một lần.
Còn glôcôm góc mở khởi đầu được điều trị bằng các thuốc tra tại mắt, dù nhãn áp đã điều chỉnh nhưng người bệnh vẫn cần đi khám và kiểm tra nhãn áp thường xuyên 2 tháng/lần, kiểm tra thị trường và khám lại đáy mắt 3-6 tháng/lần. Mục đích là để bác sĩ có thể phải điều chỉnh thuốc hoặc can thiệp laser bổ sung giúp kiểm soát được nhãn áp ở mức an toàn, phù hợp với từng cá thể.
Theo bác sĩ Sanh, laser được ứng dụng trong điều trị glôcôm từ khoảng 30 năm nay. Đây là một kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn, an toàn, ít biến chứng.
Các kỹ thuật laser có thể là: laser chu biên mống mắt; laser tạo hình chân mống mắt trong điều trị glôcôm góc đóng nguyên phát; laser tạo hình vùng bè và tạo hình vùng bè chọn lọc trong điều trị glôcôm góc mở. Ngoài ra còn có laser quang động tĩnh mạch và laser vi xung trong điều trị glôcôm tân mạch và những hình thái glôcôm phức tạp khác.
Lê Nga