Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thời tiết gần Tết thường lạnh, nhiều gia đình còn tổ chức đi chơi hay di chuyển đến nhiều vùng có nhiệt độ, khí hậu khác nhau làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, trong đó thường gặp nhất là cảm, cúm.
Trên thực tế nhiều người thường hiểu sai rằng bệnh cảm và cúm là một. Bác sĩ Hậu nhìn nhận 2 căn bệnh này khác nhau nhưng dễ bị nhầm lẫn do các triệu chứng khá giống nhau, thường thì người bệnh tự điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng mà ít khi phải đến bệnh viện. Bác sĩ Hậu khuyên mọi người cần biết phân biệt giữa 2 bệnh này để chọn cách điều trị đúng, tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Bệnh cúm do các chủng virus cúm gây ra, không những tổn thương đường hô hấp trên mà có thể gây viêm phế quản cấp thậm chí viêm phổi nặng đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.
Cảm thường bắt đầu với triệu chứng đau rát vùng cổ họng, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, kèm ho. Người lớn thường bị sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ có khuynh hướng sốt cao. Các triệu chứng này thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bị bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác, thậm chí kéo dài hơn 7 ngày.
Đôi khi các triệu chứng của cảm bị nhầm lẫn với viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, nếu chú ý sẽ rất dễ phân biệt bởi tính chất cấp tính của bệnh cảm, triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng, trong khi viêm xoang và viêm mũi dị ứng là bệnh mạn tính kéo dài, không dễ thuyên giảm hay dứt hẳn trong vài tuần.
Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân. Nếu người bệnh nhiễm các virus cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy nhiều lần, đau đầu dữ dội… Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách.
Đôi lúc triệu chứng bệnh cảm và cúm dễ nhầm lẫn. Bác sĩ Hậu khuyên mọi người nếu thấy có các dấu hiệu nguy hiểm sau thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế: Bệnh kéo dài hơn một tuần, sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn, ho kéo dài quá 2 tuần. Dù các triệu chứng khác đã dứt hẳn, tình trạng đau đầu, mỏi cơ còn rất trầm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Cảm có thể tự khỏi mà không cần sử dụng kháng sinh, nhưng nếu bội nhiễm vi trùng sẽ gây tình trạng nhiễm trùng hô hấp, sốt cao, đôi khi cần nhập viện điều trị. Cúm cũng có thể tự khỏi nhưng một số trường hợp nặng gây suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý các triệu chứng nặng của 2 bệnh này để cấp cứu kịp thời như đau ngực trầm trọng, đau đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, nôn ói liên tục. Trẻ em có thể bị thở nhanh hay khó thở, da tím tái, không thể uống hay bú được, kích động hay ủ rũ hơn thường ngày, các triệu chứng cải thiện nhưng đột nhiên trầm trọng hơn nhanh chóng kèm theo phát ban.
Người có các bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh lý về đường hô hấp như hen, suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… nên lưu ý. Cả cảm và cúm thường thúc đẩy người bệnh vào đợt cấp của bệnh mạn tính nền.
Bác sĩ Hậu khuyên cách tốt nhất để phòng ngừa cảm, cúm là nên vệ sinh tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng. Hai bệnh này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết từ mũi họng, do vậy nếu trong cơ quan có người bị cảm hay cúm nên cho nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan. Cần vệ sinh các vị trí ít và vật dụng dễ bị dính dịch tiết chứa virus như nắm tay cửa ra vào, cửa toilet, điện thoại bàn, bàn phím...
"Để chủ động phòng ngừa cảm, cúm, người dân nên tăng cường tập thể dục, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh, trái cây giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể vượt qua các đợt cảm, cúm thật nhẹ nhàng'', bác sĩ Hậu nói.