Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm thường ảnh hưởng đến họng và mũi, bệnh nhân phần lớn gồm trẻ em dưới 15 tuổi. Bạch hầu có tỷ lệ tử vong ca bệnh cao, khoảng 5-17% đối với nhóm chưa tiêm vaccine, kể cả những người được chăm sóc và điều trị đầy đủ, theo nghiên cứu năm 2019 của tiến sĩ vi sinh vật Naresh Chand Sharma tại bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Maharishi Valmiki cùng các cộng sự.
Bệnh bạch hầu được gọi bằng nhiều cách khác nhau trước khi bác sĩ người Pháp Pierre Bretonneau đặt tên vào năm 1826. Năm 1883, nhà vi sinh vật Edwin Klebs xác định vi khuẩn gây bệnh. Khoảng một năm sau, nhà vi khuẩn học Friedrich Loffler lần đầu tiên nuôi cấy được mầm bệnh và làm sáng tỏ quá trình tạo ra độc tố. Năm 1890, hai nhà khoa học Shibasaburo Kitasato và Emil von Behring phát hiện huyết thanh của động vật đã miễn dịch với bạch hầu có thể điều trị bệnh ở động vật chưa miễn dịch.
Các nhà khoa học tìm ra thể thực khuẩn mang độc tố β-corynebacteriophage và vai trò của chúng vào giai đoạn 1951-1953. Tuy nhiên, phải đến năm 2003, họ mới có thể giải trình tự gene đầy đủ của vi khuẩn Corynebacterium diphtheria lần đầu tiên.
Bệnh bạch hầu chủ yếu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Các loài vi khuẩn Corynebacterium khác, gồm C. ulcerans and C. pseudotuberculosis, cũng có thể là nguyên nhân, nhưng trường hợp này khá hiếm. Một số chủng của vi khuẩn Corynebacterium diphtheria tạo ra độc tố gây bệnh bạch hầu. Chúng tiết độc tố vì bản thân cũng nhiễm loại virus gọi là thể thực khuẩn.
Độc tố cản trở tế bào sản xuất protein, phá hủy các mô ở khu vực lây nhiễm và dẫn đến việc hình thành màng giả ở khí quản. Độc tố có thể được vận chuyển theo mạch máu và phân phối đến các mô trong cơ thể, gây viêm cơ tim, tổn thương dây thần kinh, giảm tiểu cầu và tạo ra protein trong nước tiểu.
Thời gian từ khi nhiễm vi khuẩn Corynebacterium diphtheria đến lúc phát triển triệu chứng là 1-10 ngày, thường là 2-5 ngày. Một số triệu chứng gồm đau họng, sổ mũi, khó nuốt, sốt, ho.
Sự lây nhiễm xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương của người bệnh, dịch từ mũi và họng, các giọt bắn trong không khí, thậm chí đôi khi còn qua vật thể nhiễm khuẩn. Không tiêm phòng vaccine, hệ miễn dịch yếu, có tiền sử viêm da cơ địa, điều kiện sống không vệ sinh, chật chội và đông đúc, đi tới nơi dịch bệnh đang hoành hành là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bạch hầu.
Thế giới từng trải qua nhiều đợt bùng phát dịch bạch hầu nghiêm trọng. Năm 1921, Mỹ có hơn 200.000 người nhiễm và 15.500 người tử vong, thúc đẩy các chương trình xét nghiệm và phòng bệnh quy mô lớn ở học sinh ra đời.
Năm 1943, Thế Chiến II gây ra đợt bùng phát dịch bạch hầu ở châu Âu với khoảng một triệu ca nhiễm và 50.000 người chết. Những năm 1990, căn bệnh này khiến hơn 80.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong ở Nga. Giai đoạn 2014-2019, dịch bạch hầu cũng bùng phát ở Indonesia, Venezuela, Haiti và cộng đồng người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
Thu Thảo (Theo Nature, Medical News Today)