Alzheimer là căn bệnh suy giảm chức năng não bộ, khoa học thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng, tức là làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ và nhận thức người bệnh.
Sau 6 năm nghiên cứu về phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer, tiến sĩ Võ Văn Giàu (34 tuổi, quê Quảng Nam, học chuyên ngành Y Sinh học, trường Đại học Gachon, Hàn Quốc) đã tìm ra cây thanh trà có tiềm năng điều trị bệnh Alzheimer.
Ý tưởng nghiên cứu về điều trị bệnh Alzheimer được TS Giàu ấp ủ khi học tiến sĩ ở Hàn Quốc năm 2014. Nhận thấy Việt Nam là nước nhiệt đới với nhiều cây thực vật có thể phát triển thành thuốc, anh lập nhóm nghiên cứu trong nước, cùng các chuyên gia hóa hữu cơ, hóa hợp chất tự nhiên xác định những nhóm cây tiềm năng trong điều trị Alzheimer.
Sau nhiều thí nghiệm, chiết tách phân lập, phân tích, định danh các hợp chất sinh học TS Giàu và cộng sự bước đầu đã chứng minh hoạt chất chiết xuất từ cây thanh trà có khả năng chống viêm, kháng ung thư. Đặc biệt, các hợp chất này có hoạt tính antioxidant, có khả năng phát triển thành thuốc điều trị bệnh Alzheimer.
Các hợp chất gồm Caryophyllene, Humulene, Hexadecanoic acid, Ethyl ester, Phytol, Squalene, γ-himachalene, Retinol trong cây thanh trà kháng viêm hiệu quả, có tác dụng chống oxy hóa, là những ứng cử viên tiềm năng trong việc đánh giá vai trò kháng viêm trên mô hình bệnh Alzheimer, từ đó phát triển thành thuốc điều trị.
Theo TS Giàu, mặc dù một số chất chống viêm tổng hợp được thiết kế để cải thiện bệnh lý, nhưng tồn tại những tác dụng phụ không mong muốn, nên việc phát triển thuốc điều trị Alzheimer có nguồn gốc tự nhiên sẽ là giải pháp hứa hẹn.
Thanh trà là loại cây trồng chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Cần Thơ, chứa các khoáng chất, vitamin và hàm lượng sắc tố carotenoid cao giúp chống oxy hóa. Tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu nào về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây này tại Việt Nam.
Bước đầu tìm ra các hợp chất tiềm năng từ cây thanh trà, TS Giàu đang tiếp tục phân lập, tinh chế từng hợp chất dưới dạng tinh khiết, sau đó sẽ đánh giá vai trò kháng viêm trên mô hình bệnh Alzheimer trong ống nghiệm và trên động vật.
Anh cho biết, từ nghiên cứu ra những hợp chất tiềm năng trong phòng thí nghiệm tới khi điều chế những hợp chất đó thành thuốc sử dụng trong điều trị lâm sàng còn nhiều việc phải làm, trong đó kinh phí, điều kiện vật chất cũng vô cùng quan trọng. "Nếu nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp trong quá trình thực hiện chưa thể thành thuốc thì đây sẽ là kinh nghiệm để tôi tiếp tục nghiên cứu và vươn tới thành công ở chặng đường tiếp theo", anh nói.
Đến nay anh có gần 50 bài báo đăng trên chí quốc tế, 2 bằng sáng chế về giải pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer. Năm 2019, anh được nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học.
Nguyễn Xuân