Ở Liên hoan Phim Cannes của Pháp, Camera d'Or (Camera Vàng) là một giải danh giá dành cho phim đầu tay xuất sắc của đạo diễn trẻ. Giải thưởng do nhà phê bình Pháp Gilles Jacob lập ra, lần đầu được trao cho phim Alambrista của đạo diễn Robert M. Young năm 1978. Từ đó, giải thuộc về nhiều nhà làm phim nổi tiếng thế giới như Jim Jarmusch, Naomi Kawase, Bahman Ghobadi, Trần Anh Hùng, Jaco Van Dormael.
Trong lịch sử 76 năm của Cannes, năm 1993, Trần Anh Hùng là người Việt quốc tịch Pháp đầu tiên thắng giải thưởng này với phim Mùi đu đủ xanh, do anh đạo diễn kiêm biên kịch. Có nội dung thuần Việt và bối cảnh Sài Gòn thập niên 1950, phim được quay tại phim trường ở Paris, cùng vốn đầu tư và êkíp sản xuất của Pháp.
Bà Việt Linh - đạo diễn phim Mê Thảo thời vang bóng - nhận định: "Sau vinh dự Trần Anh Hùng mang đến cho điện ảnh Việt 30 năm trước, lần này, tôi rất hãnh diện khi biết tin một phim do đạo diễn trẻ trong nước thực hiện thắng lớn ở Cannes. Tôi cho rằng đây là một cú hích dành cho điện ảnh của chúng ta, nhất là với những đạo diễn làm phim độc lập".
Phim công chiếu ở Cannes hôm 24/5, nhận tràng pháo tay hơn năm phút của khán giả. Ngày 25/5, tờ Variety viết bài bình luận: "Tác phẩm đầu tay của Phạm Thiên Ân lôi cuốn khán giả với chuyến hành trình nhuốm màu tâm linh qua vùng nông thôn Việt Nam". Trang IndieWire chấm phim ở mức B+/A+, cho rằng phim đang trên con đường tạo nên những điều phi thường.
Tác phẩm xoay quanh nhân vật Thiện và hành trình đưa hài cốt chị dâu về quê sau một tai nạn xe máy, đồng thời chăm sóc cho người cháu năm tuổi tên Đạo. Trong chuyến đi tìm anh trai - cha của Đạo, Thiện đối diện với quá khứ để tìm kiếm đức tin và lẽ sống.
Trang Screendaily viết: "Nhà quay phim Đinh Duy Hưng cho khán giả thấy những cảnh đẹp của Việt Nam như khu rừng tĩnh mịch vào ban đêm, thác nước chảy xiết, cây cối đung đưa trước gió hay hình ảnh những chiếc kén vàng sặc sỡ. Các góc máy hợp lý và nhịp nhàng, tập trung vào các chi tiết mấu chốt. Phạm Thiên Ân biết rõ anh cần ghi lại những gì để truyền tải câu chuyện đến khán giả".
Theo trang này, khả năng lắng nghe ngôn ngữ của tự nhiên, sự tò mò về cái chết, đức tin và luân hồi khiến tác phẩm của Phạm Thiên Ân có những nét tương đồng với các bộ phim của Apichatpong Weerasethakul - nhà làm phim Thái Lan nổi tiếng. Ngoài ra, tác phẩm cũng gợi cho khán giả phong cách làm phim của Theo Angelopoulos - nhà làm phim Hy Lạp - khi có giọng điệu thong thả, chiêm nghiệm.
"Bên trong vỏ kén vàng là tác phẩm đầy bí ẩn và hấp dẫn của Phạm Thiên Ân với thông điệp: Không có câu trả lời dễ dàng cho những thắc mắc về sự tồn tại. Chúng ta chỉ có thể tìm kiếm chúng bằng lòng tốt và một trái tim nhân hậu. Cuối cùng, niềm tin là thứ còn sót trên lại hành trình đi tìm đáp án", Screen Daily nhận định.
Trả lời VnExpress, nhà làm phim Phạm Thiên Ân miêu tả phim là bản nhạc chậm kéo người nghe trôi theo dòng chảy với những ngã rẽ cuộc đời. Ý tưởng làm phim đến từ vùng cao nguyên Lâm Đồng - quê hương của Thiên Ân - cùng những dụ ngôn trong Kinh Thánh.
Từ đầu, Thiên Ân có tham vọng thể hiện tác phẩm theo cách thức tối giản, bằng những chất liệu có sẵn và sử dụng cú máy dài (long take). Câu chuyện của nhân vật Thiện trong phim cũng là tiếng nói của Thiên Ân, phản ánh suy nghĩ, thái độ của đạo diễn.
Kịch bản phim được viết trong ba năm, từ năm 2019 đến ngày đóng máy cuối tháng 3/2022. Phim có màu sắc ảm đạm, lạnh lẽo với tông màu xám. Đạo diễn quan niệm bầu không khí ẩm ướt trong mùa mưa ở Việt Nam góp phần làm tăng sự mạnh mẽ trong nội tâm nhân vật, đồng thời làm nổi bật màu sắc của thiên nhiên lẫn con người.
"Đối với tôi ý tưởng và kịch bản là những thứ tạm thời. Nội dung tác phẩm được hình thành từ địa điểm, thời gian, con người, thiên nhiên và những điều tuyệt đẹp ngẫu nhiên xuất hiện trong quá trình làm phim", Thiên Ân nói.
Sinh ra và lớn lên ở vùng cao nguyên Lâm Đồng, Phạm Thiên Ân cho biết từ nhỏ không có dịp tham dự hoạt động giải trí như ở thành phố. Thiên Ân thường tổ chức những buổi chiếu phim tại nhà với bạn bè. Những bộ phim anh chọn chiếu đa phần thuộc thể loại giật gân hoặc về đề tài siêu anh hùng.
Lần đầu tìm hiểu sâu về điện ảnh, Thiên Ân thấy bỡ ngỡ. Thoạt đầu, đạo diễn thường mất kiên nhẫn xem phim art-house dài hai, ba tiếng. Sau bốn năm theo học công nghệ thông tin ở Sài Gòn, Thiên Ân thấy bản thân không phù hợp. "Tôi quyết định học thêm nhiều kiến thức về điện ảnh, tự mày mò cách dựng phim và quay phim. Dần dần, những bộ phim khó xem lại càng khiến tôi thích thú, nên tôi đã thử sức mình thực hiện một số bộ phim ngắn", đạo diễn nói.
Năm 2014, đạo diễn giành giải nhì tại cuộc thi Làm phim ngắn 48h ở Việt Nam và chuyển đến Mỹ sống một năm sau đó. Năm 2018, Thiên Ân ra mắt phim ngắn đầu tay Câm lặng (The Mute) và được trình chiếu tại Liên hoan phim ngắn Quốc tế Palm Spring, đồng thời tranh giải ở gần 15 Liên hoan phim Quốc tế như Winterthur, Tampere, Hong Kong, Encounters và Aspen. Nghệ sĩ đã làm ba phim ngắn trước khi thực hiện tác phẩm dài đầu tay.
Bên trong vỏ kén vàng, do Ủy ban Điện ảnh Singapore, hãng Purin Pictures, Normandie Images và Hubert Bals Script & Development Scheme tài trợ kinh phí, êkíp Việt Nam cộng tác Singapore, Tây Ban Nha và Pháp sản xuất. Trước đó, ở Cannes 2023, phim vượt qua gần 4.000 tác phẩm để lọt vào danh sách 19 phim chiếu ở hạng mục Director's Fortnight - một nhánh của Liên hoan phim, ra đời từ năm 1968 nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật không tranh giải chính.
Hồi tháng 4, công ty Cercamon mua bản quyền phim trước khi ra mắt tại Cannes 2023. CEO của Cercamon, Sebastien Chesneau, nói: "Chúng tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện, cảnh quay và các nhân vật trong phim. Tác phẩm chứng minh sức mạnh của hình ảnh và thông điệp có thể vượt qua mọi lằn ranh văn hóa".
Quốc Bảo - Quế Chi