Bên trong vỏ kén vàng ra rạp trong nước từ ngày 11/8 đến 4/9, đến chiều 3/9, phim thu gần 1,43 tỷ đồng. Sau khi đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc (Camera d'Or) Liên hoan phim Cannes 2023, êkíp chiếu tác phẩm trong nước rồi phát hành quốc tế. Tác phẩm được người yêu điện ảnh quan tâm, nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Thời lượng ba tiếng của phim khiến nhiều người khó tiếp nhận. Câu chuyện của nhân vật Thiện trong tác phẩm diễn ra với nhịp điệu chậm. Trong những cú máy dài, đạo diễn tận dụng kỹ thuật ghi hình để mô tả từng cử chỉ, hơi thở hay tiếng động của sự vật xung quanh.
Biên kịch Trần Lý Trí Tân nhận xét phim tạo cho anh cảm giác nặng nề, đôi lúc bực bội vì những cú máy dài. "Phim không có câu chuyện chính, không có sự chuyển biến tâm lý và tiến trình của nhân vật. Nó chỉ là một video nghệ thuật, không nhiều ngôn ngữ điện ảnh, phần lớn chỉ là minh họa cho đức tin và những bí tích tôn giáo", biên kịch Trí Tân nêu quan điểm.
Trên VnExpress, độc giả Lee Nguyên bình luận: "Phim khó xem, mông lung, dàn trải. Lời thoại không sắc sảo như phim Mỹ, mà khó hiểu". Còn ở một diễn đàn điện ảnh gần 900.000 thành viên, tài khoản Mạnh Đức Trung viết: "Bên trong vỏ kén vàng là trường hợp hy hữu mà tôi gần như không tìm thấy điểm nào để khen. Các tác phẩm như Seven Samurai (1954), Schindler's List (1991), The Wolf of Wall Street (2013) hay Oppenheimer (2023) đều dài trên ba tiếng nhưng không ai cảm thấy chúng dài đến vậy... Phim này có nhiều cảnh không cần thiết".
Tác phẩm kén khán giả do cách làm phim của Phạm Thiên Ân không đáp ứng thị hiếu trong nước.
Theo tiến sĩ Lý luận điện ảnh Đào Lê Na, khán giả Việt thường thích các phim có yếu tố kịch tính, bi hài rõ ràng. Còn Bên trong vỏ kén vàng có tiết tấu chậm, ngôn ngữ điện ảnh và đề tài không quá gần gũi với người Việt. "Để hiểu và đồng cảm với những tác phẩm của Phạm Thiên Ân đòi hỏi người xem cũng phải hiểu về ngôn ngữ điện ảnh và các triết lý của Thiên Chúa giáo", Lê Na cho biết.
Tiến sĩ Lý luận văn học Hồ Khánh Vân - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM - cho rằng nhiều khán giả trong nước chưa có cơ hội tiếp xúc với "dòng phim cảm giác" (phim chậm) nên khó hình dung về tác phẩm, có cảm giác buồn ngủ. Hồ Khánh Vân nói sự mệt mỏi khi xem Bên trong vỏ kén vàng của nhiều khán giả không phải điều lạ. Đó là cảm giác giống lần đầu tiếp xúc với phim của các đạo diễn độc lập như Thái Minh Lượng, Béla Tarr hay Nuri Bilge Ceylan.
Lối làm phim của Phạm Thiên Ân triệt tiêu kịch tính, chú trọng đặc tả cảm giác, chịu ảnh hưởng từ làn sóng New Hollywood (giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980). Phó giáo sư lý luận và phê bình văn học Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận xét phim có nhiều cảnh mô tả nếp sinh hoạt của người theo đạo Công giáo, thể hiện am hiểu của đạo diễn về đời sống tâm linh.
Trần Anh Hùng - đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Cannes 2023 - nói tác phẩm thách thức nhiều nhà làm phim, là bài học cho các tài năng điện ảnh trong và ngoài nước. Trần Anh Hùng cho rằng Phạm Thiên Ân có ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt, kỹ năng dàn cảnh tốt.
Đại diện êkíp Bên trong vỏ kén vàng - nhà sản xuất Trần Văn Thi - cho biết hài lòng với doanh thu 1,4 tỷ đồng. Từ đầu, các thành viên muốn tác phẩm được chiếu ở nhiều liên hoan phim thế giới, để khán giả biết đến điện ảnh Việt Nam. Hiện êkíp được mời đến hơn 30 sự kiện điện ảnh quốc tế, như Mỹ, Australia, Đức, Hàn Quốc.
Phim của đạo diễn Phạm Thiên Ân kể về Thiện (Lê Phong Vũ) đưa hài cốt người chị dâu tên Hạnh về quê sau một tai nạn xe máy. Đồng thời, anh phải nuôi dưỡng Đạo (Nguyễn Thịnh), con trai của Hạnh. Sau đám tang, Thiện bắt đầu nhớ lại những kỷ niệm trong quá khứ, nơi tuổi trẻ và tình yêu của anh lặng lẽ trôi qua.
Quế Chi