* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm của đạo diễn Phạm Thiên Ân kể về Thiện (Lê Phong Vũ) đưa hài cốt người chị dâu tên Hạnh về quê sau một tai nạn xe máy. Đồng thời, anh phải nuôi dưỡng Đạo (Nguyễn Thịnh), con trai của Hạnh. Sau đám tang, Thiện bắt đầu nhớ lại những kỷ niệm trong quá khứ, nơi tuổi trẻ và tình yêu của anh lặng lẽ trôi qua.
Phạm Thiên Ân dành khoảng 30 phút đầu phim giới thiệu không gian sinh sống của nhân vật, đầy ngột ngạt, nguy hiểm, nơi con người chạy theo những điều phù phiếm. Thiện tìm đến những tiệm massage để trốn tránh hiện thực phức tạp. Bằng thủ pháp dựng phim, đạo diễn đặt người xem vào những giấc mơ và cuộc sống thường nhật của Thiện, hòa cùng bầu không khí và tâm lý nhân vật.
Tác phẩm được kể với lối dẫn dắt của một bộ phim tài liệu, nơi các nhân vật đều có câu chuyện riêng. Phạm Thiên Ân chắp nối lời tâm sự của mỗi người, lồng vào tuyến truyện chính. Sau khi cho khán giả biết đủ thông tin, đạo diễn đưa họ vào thế giới siêu thực, nơi ranh giới thực - ảo dần mờ nhạt, từ đó bộc lộ những thứ Thiên Ân muốn tạo dựng.
Chất liệu tôn giáo xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, từ lời kinh cầu nguyện trong đám tang đến suy tư của Thiện về sự tín thác vào tình yêu Thiên Chúa. Trong chuyến đi từ thành phố về vùng cao nguyên, Thiện đối mặt quá khứ và mâu thuẫn nội tâm, bất mãn với cuộc sống. Khi phải đối diện với đức tin mà anh bỏ bê từ lâu, Thiện không có thứ gì để bám víu, quá khứ của anh hiện lên qua những lần hồi tưởng.
Trong phim, thời tiết chuyển từ sương mù dày đặc, trời âm u sang cơn mưa nặng hạt, biểu trưng cho hành trình tìm kiếm đức tin vốn mù mịt, không rõ ràng. Khi tác phẩm kết thúc, những câu hỏi và trăn trở đọng lại trong lòng người xem: Thiện đang đi tìm anh trai hay tìm lại bản thân? Mục đích sống của con người là gì?
Sự duy mỹ trải dài suốt thời lượng ba tiếng. Sự hoang mang, mông lung trong câu chuyện của nhân vật chính duy trì đến cuối phim với tiết tấu chậm. Đạo diễn kéo dài những trường đoạn cho thấy hành động, thậm chí cả hơi thở của nhân vật. Khi câu chuyện được kể đủ lâu, anh sắp xếp cho một tình huống khác nối tiếp, thêm vào những tình tiết mới nhưng không sử dụng phương pháp cắt cảnh, nhằm "khóa" người xem vào tình huống cần nhiều suy ngẫm.
Phim mang hơi hướng slow cinema (điện ảnh chậm), từ chủ đề, cấu trúc tự sự, hình ảnh, nhịp độ dàn dựng, đến thái độ nhân vật. Theo biên kịch Vũ Ánh Dương, nhiều hình ảnh trong tác phẩm của các đạo diễn nổi tiếng như Andrei Tarkovsky (phim Nostalghia, The Mirror, Solaris), Béla Tarr (phim Satantango, Damnation, The Turin Horse) được Phạm Thiên Ân áp dụng, nhằm tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên và sự sống. Đạo diễn cho thấy khả năng kiểm soát thời gian và không gian, biết chắt lọc những thứ hay nhất của nhiều nhà làm phim gạo cội thành ngôn ngữ điện ảnh riêng.
Phạm Thiên Ân thể hiện tay nghề trong các phân cảnh dài, nằm ở kỹ thuật quay phức tạp cùng cách xây dựng lớp lang câu chuyện. Điển hình là phân đoạn 25 phút không cắt cảnh, khi Thiện đến nhà ông Lưu, người lo tang lễ cho Hạnh. Máy quay di chuyển qua nhiều địa điểm, thu nhận những cuộc hội thoại ngẫu hứng, từ đó làm nổi bật quá trình phản tỉnh của Thiện.
Kỹ thuật sử dụng cú máy dài được khai thác hợp lý, tập trung vào các chi tiết quan trọng để truyền tải câu chuyện. Camera được đặt sau lưng nhân vật, giúp khán giả quan sát, suy luận hành động, đồng thời chờ đợi phản ứng tiếp theo.
Âm nhạc cũng là một phần giúp tác phẩm có nhịp điệu từ tốn. Các bản nhạc của Franz Schubert (bài Litanei auf das Fest Allerseelen, D. 343) hay Mauro Giuliani (bài Rossiniana No. 2, Op. 120) mang sự tươi mới, chân thành trong cách kể chuyện.
Diễn viên Hồng Ánh - cố vấn của Phạm Thiên Ân trong một cuộc thi làm phim ngắn - nói sẽ xem lại tác phẩm lần nữa, vì "muốn sống trong cảm giác của nhân vật và không khí đạo diễn đã tạo ra".
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: "Ba tiếng trôi qua trong sự từ tốn, nhưng không hề chậm rãi hay khó hiểu, mà ngược lại, lôi cuốn bởi sự thú vị và những bất ngờ trong cách kể chuyện bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh thuần khiết". Tuy vậy, phim có phần khó xem với một số khán giả lần đầu tiếp xúc phong cách slow cinema.
Giới phê bình quốc tế nhận xét tích cực về tác phẩm. Phim công chiếu lần đầu ở Liên hoan phim Cannes, nhận tràng pháo tay hơn năm phút, ngày 24/5. Trang International Cinephile Society nhận xét tác phẩm "sẽ mê hoặc những khán giả dám dành ra thời gian và suy nghĩ cho một câu chuyện siêu thực".
ScreenDaily nhận định: "Bên trong vỏ kén vàng là tác phẩm đầy bí ẩn và hấp dẫn của Phạm Thiên Ân với thông điệp: Không có câu trả lời dễ dàng cho những thắc mắc về sự tồn tại. Chúng ta chỉ có thể tìm kiếm chúng bằng lòng tốt và một trái tim nhân hậu. Cuối cùng, niềm tin là thứ còn sót trên lại hành trình đi tìm đáp án".
Sau Cannes, hiện đạo diễn Phạm Thiên Ân tiếp tục đưa tác phẩm đến gần 20 liên hoan phim quốc tế khác, như Jerusalem Film Festival (Israel), Melbourne International Film Festival (Australia), Hamburg Filmfest (Đức), Busan International Film Festival (Hàn Quốc).
Quế Chi