Thứ ba, 8/4/2025
Thứ ba, 1/4/2025, 00:00 (GMT+7)

Bên trong tiền đồn chiến lược Mỹ trên đảo Greenland

Pituffik là căn cứ duy nhất của Mỹ ở Greenland, hòn đảo Washington muốn kiểm soát, có nhiệm vụ cảnh báo các vụ phóng tên lửa từ Nga.

Căn cứ quân sự Pituffik tại Greenland nhìn từ trên cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tỏ ý muốn mua Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới và là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, trong nhiệm kỳ đầu tiên. Không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên, Greenland còn có vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Cực, có thể giúp Mỹ gia tăng đáng kể lợi thế địa chính trị.

Sau khi quay trở lại Nhà Trắng lần 2, ông Trump đã nhiều lần nhắc lại ý tưởng sáp nhập Greenland vào Mỹ và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để hiện thực hóa mục tiêu này.

Phó tổng thống Mỹ JD Vance (trái) cùng một số quan chức cấp cao hôm 28/3 thăm căn cứ quân sự Pituffik tại Greenland, động thái bị giới chức hòn đảo và Đan Mạch coi là hành động khiêu khích.

Tuy không sở hữu Greenland, Mỹ đã hiện diện quân sự tại đây kể từ Thế chiến II. Nước này khi đó đã bí mật đạt thỏa thuận với đại sứ Đan Mạch tại Washington về việc cho phép xây dựng sân bay và trạm thời tiết trên hòn đảo, mà không thương lượng với chính quyền do Đức kiểm soát ở Copenhagen.

Năm 1941, lực lượng Mỹ đổ bộ lên Greenland, thiết lập phòng tuyến và sử dụng nơi này làm địa điểm theo dõi, phát hiện tàu ngầm Đức ở Bắc Đại Tây Dương.

Mỹ và Đan Mạch năm 1951 chính thức hóa thỏa thuận bằng một hiệp ước phòng thủ, dẫn đến sự thành lập của căn cứ không quân Thule, sau này được đổi tên thành căn cứ vũ trụ Pituffik.

Nó cách Vòng Bắc Cực khoảng 1.200 km về phía bắc, đồng thời nằm giữa thành phố New York của Mỹ và thủ đô Moskva của Nga.

Là căn cứ quân sự nằm xa nhất về phía bắc của Mỹ, Pituffik đóng vai trò là tiền đồn quan trọng của Washington ở Bắc Cực. Đây là điểm tối ưu để theo dõi các vụ phóng tên lửa từ những đối thủ của Mỹ như Nga.

Mỹ triển khai tại căn cứ hệ thống radar mảng pha có khả năng phát hiện tên lửa phóng từ biển và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cùng một tổ hợp tên lửa phòng không.

Mỹ còn triển khai tại đây hệ thống Điều khiển và Kiểm soát Vệ tinh để duy trì liên lạc theo thời gian thực và chuyển tiếp dữ liệu với vệ tinh quân sự, do thám.

Nhờ nằm ở vị trí cao, căn cứ này có thể thường xuyên bắt tín hiệu với vệ tinh ở quỹ đạo cực, loại có thể giám sát toàn bộ bề mặt Trái Đất nhờ chuyển động quay của địa cầu.

Tiêm kích F-16 chuẩn bị cất cánh từ căn cứ Pituffik.

Do có nhiệm vụ chính là giám sát không gian và cảnh báo tên lửa, căn cứ Pituffik không có lực lượng chiến đấu thường trực. Thay vào đó, nó đóng vai trò là trung tâm hậu cần và phòng thủ chiến lược cho các nhiệm vụ ở Bắc Cực và hoạt động tác chiến dưới băng.

Từ địa điểm này, tàu mặt nước, tàu ngầm của hải quân Mỹ và đồng minh sẽ làm nhiệm vụ tuần tra ở Bắc Cực hoặc tiến hành diễn tập trong thời tiết lạnh. Vận tải cơ, máy bay tiếp liệu và tuần thám thường xuyên ra vào căn cứ, tiêm kích và oanh tạc cơ tầm xa đôi khi cũng tới đây để làm nhiệm vụ răn đe hoặc bay huấn luyện.

Không quân Mỹ bố trí tàu kéo mang tên Rising Star tại căn cứ Pituffik để hỗ trợ hoạt động trong cảng, phá băng và lai dắt tàu thuyền.

Con tàu này có nhiệm vụ giữ cho các tuyến tiếp tế được thông suốt bằng cách phá vỡ những tảng băng trôi và dẫn đường cho tàu hậu cần qua cảng, qua đó trở thành mắt xích quan trọng trong hoạt động vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm và trang thiết bị của quân đội.

Khoảng 150 quân nhân Mỹ đồn trú tại căn cứ Pituffik. Nhà ăn phục vụ ba bữa một ngày và chấp nhận thanh toán bằng thẻ ăn.

Ở căn cứ còn có cửa hàng tạp hóa, tiệm cắt tóc, sân chơi bowling, nhà nguyện, trung tâm cộng đồng với rạp chiếu phim và phòng chế tạo đồ thủ công, phòng tập gym, song không có cây ATM.

Trang Facebook của căn cứ thường xuyên đăng ảnh quân nhân tham gia các sự kiện giải trí như tuần lễ văn hóa Greenland hay trượt tuyết băng đồng.

Nhà chứa máy bay tại căn cứ Pituffik.

Pituffik hiện là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở Greenland. Hai trong ba căn cứ không quân mà Washington xây dựng ở hòn đảo hồi Thế chiến II hiện được sử dụng làm sân bay dân sự, trong khi cơ sở còn lại bị bỏ hoang sau khi chiến tranh kết thúc.

Các vòm radar được lắp đặt tại căn cứ Pituffik.

Cuối năm ngoái, NASA phát hiện một căn cứ ngầm có tên Century ở Greenland, được xây dựng nhằm phục vụ cho một dự án tên lửa tối mật thời Chiến tranh Lạnh.

Hiện nằm sâu hàng chục mét dưới lớp băng dày, mạng lưới đường hầm bị bỏ hoang này từng hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở nghiên cứu ở Bắc Cực, trước khi được chính phủ Mỹ giải mật hồi năm 1995.

Phạm Giang (Ảnh: AP, Reuters, Không quân Mỹ)