Theo Guardian, tại cửa hàng thuyền Emre nằm ở trung tâm Izmir, một trong những cảng chính của Thổ Nhĩ Kỳ, bạn không thể xoay người mà không chạm vào những chiếc thuyền cao su bơm hơi. Cửa hàng có 16 chiếc thuyền được đóng trong những hộp màu be được xếp chồng lên nhau, tất cả chúng đều chung một ký tự, SK-800PLY, xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu như những gì chủ cửa hàng Emre tính toán là đúng, chúng sẽ bị vứt lại trên bãi biển Hy Lạp một vài ngày tới. Cửa hàng này là nơi mà mọi người có thể mua thuyền để đưa người tị nạn sang châu Âu. Cửa hàng Emre bán ra khoảng chục chiếc mỗi ngày.
"Mùa hè thì doanh số của chúng tôi cao hơn", người bán hàng nói với một khách hàng tiềm năng người Syria. "Nhưng giờ, mỗi ngày chúng tôi bán được 6 chiếc thuyền rẻ và 5 chiếc đắt hơn chút. Thế ông cần bao nhiêu chiếc?".
Các quan chức châu Âu đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước và đồng ý chi 3 tỷ USD nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay ngăn chặn làn sóng tị nạn lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II. Mặc dù thời tiết xấu, khoảng 125.000 người tị nạn đã đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 này - con số lớn hơn 4 lần so với cả năm 2014. Và phần lớn số đó đi qua cảng Izmir.
Đưa người vượt biên trái phép là chuyện làm ăn công khai ở đây. Ra khỏi cửa hàng Emre, rẽ phải lên đại lộ Fevzi Paşa, một trong những nơi tập trung những kẻ buôn người chính ở thành phố Izmir, chúng ta thấy "nền kinh tế buôn người" có ở khắp mọi nơi. "Bên trái là những khách sạn, nơi những kẻ buôn người cho khách hàng của họ tạm trú", theo lời Abu Khalil, một kẻ buôn lậu người. "Và bên phải là "các cửa hàng bảo đảm". Đây là nơi các hành khách gửi tiền lệ phí của họ, số tiền này sau đó được chuyển tới tay những kẻ buôn lậu khi khách hàng của chúng thông báo đã lên bờ biển Hy Lạp an toàn.
Những người bán hàng rong ngồi trên vỉa hè, bán bóng bay cho người tị nạn. Bóng này không để chơi hay ăn mừng, mà để làm phao đề phòng xuồng chìm khi đang lênh đênh trên biển. Nhiều cửa hàng trên đường phố hiện nay bán áo phao. Một cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt cũng bán áo phao, và thậm chí một cửa hàng còn bán đồng phục cảnh sát. Các cửa hàng giày dép và quần áo kiếm bộn tiền, lấy áo phao làm mặt hàng kinh doanh chủ chốt.
"Chúng tôi chỉ bán hai hoặc ba đôi giày một ngày", một người bán hàng trên đại lộ Fevzi Paşa nói. "Nhưng doanh số bán áo phao thì hơn rất nhiều, từ 100 -300 chiếc một ngày. Vào mùa hè đôi khi con số là 1000 chiếc - khiến các nhà máy không sản xuất kịp".
Tình trạng buôn người ngang nhiên ở Izmir cho thấy rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang phớt lờ việc kiểm soát những chuyến đi khởi hành bất hợp pháp từ bờ biển phía tây của họ. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ ngăn cản người di cư Syria tìm kiếm công việc hợp pháp ở đây, cho họ ít động lực để ở lại, mà các quan chức cảnh sát dường như còn không thèm làm gì để ngăn chặn việc dòng người tị nạn ra đi. Các khách sạn và các cửa hàng ở đại lộ Fevzi Paşa nằm giữa hai trạm cảnh sát. Vậy nhưng các quan chức cảnh sát chỉ thi thoảng mới có phản ứng trước những việc xảy ra sát nách họ.
Có thể cảm nhận rõ sự lơi lỏng trong quản lý việc buôn lậu người tại thị trấn Çeşme, thị trấn ven biển phía tây của thành phố Izmir, được xem như bàn đạp cho các chuyến tàu chở người đi lậu đến hòn đảo của Hy Lạp, Chios. Lái xe taxi trong thị trấn Çeşme rất thận trọng với việc chở hành khách đến các điểm khởi hành vì họ sợ bị bắt và buộc tội buôn người, nhưng trên những con đường gần bờ biển, phóng viên Guardian thấy cánh lái xe thực ra rất dễ tiếp cận và không bị hỏi han gì nhiều.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ những lời chỉ trích. Họ nói rằng giới cảnh sát đã bắt giữ hơn 200 kẻ buôn người kể từ năm 2014 và đã buộc 80.000 người tị nạn phải hồi hương - ngay cả khi nước này đang có khoảng 2,2 triệu người tị nạn Syria, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. "Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn dòng chảy người tị nạn và giảm thiểu con số thương vong", một phát ngôn viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. "Tuy nhiên, vấn đề chính là những người tị nạn luôn cố gắng để vượt biên nhiều lần cho dù họ có bị bắt".
Số lượng người tị nạn đã giảm kể từ tháng 10, thời điểm mỗi ngày có đến 10.000 người rời Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, nhưng nó vẫn còn ở mức cao. Sau thời gian tạm lắng vài ngày trong tuần trước do thời tiết xấu, những con thuyền lại đưa 5.000 người rời đi mỗi ngày, theo số liệu của chính phủ Hy Lạp.
Những kẻ buôn người giải thích rằng điều này xảy ra là do hai lý do. "Lý do chính là sự bùng nổ của các cuộc không kích", Abu Khalil, kẻ buôn lậu ở Izmir, và là người Kurd sống ở Syria, nói. Giống như nhiều người khác, anh ta lập luận rằng các cuộc không kích gần đây của Nga nhằm vào các nhóm phiến quân tại Syria khiến cho người dân khó có thể có cuộc sống yên ổn.
Yếu tố thứ hai là do giá cả để đến bờ biển Hy Lạp cũng đã rẻ hơn nhiều. Hai kẻ buôn người cho biết, giá của một chỗ ngồi trên một chiếc thuyền hơi để tới Hy Lạp đã giảm từ 1.200 USD trong tháng 9 xuống còn 900 USD hai tuần trước, và cuối cùng là mức giá 800 USD trong những ngày gần đây. "Những người không có tiền trước đó, giờ họ đã có thể đi được", Abu Khalil nói.
Một số hành khách, như gia đình của Alan Kurdi, khởi hành từ Bodrum, thị trấn nghỉ mát nhỏ về phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, được người châu Âu đánh giá là có bãi biển và dịch vụ nghỉ mát tốt. Có những người bắt đầu hành trình của họ ở thành phố Istanbul, nhưng chuyến đi sẽ đơn giản hơn nếu bắt đầu từ thành phố Izmir và Bodrum. Các bãi biển gần Bodrum là con đường ngắn nhất dẫn đến các hòn đảo của Hy Lạp như đảo Kos, Leros và Kalymnos.
Quy trình
Những con phố bao quanh đại lộ Fevzi Paşa đầy những kẻ môi giới cho người dân từ Syria, những người dễ nhận ra bởi ba lô trên vai và nỗi âu lo trên nét mặt. Những kẻ môi giới mời họ đi Hy Lạp. Sau khi ngã giá, họ được đưa đến các khách sạn tồi tàn mà kẻ môi giới thường thuê trọn gói. Đến tối muộn, những kẻ buôn lậu sắp xếp xe tải, xe buýt đưa họ tới điểm khởi hành. Chuyến đi bằng ôtô có thể êm ái hay nhọc nhằm tùy vận may. Họ có thể ngồi xe bình thường, cũng có khi chen lấn trên những chiếc xe từng được dùng để chở động vật.
Những nhóm buôn người tuy có cách hoạt động khác những chúng luôn có một điểm chung. Những kẻ môi giới, như Abu Khalil, phải tìm cho đủ 40 -50 người cho một chuyến đi rồi để họ nghỉ ngơi trong khách sạn, đợi đến giờ khởi hành. Sau đó, chúng sẽ chở họ đến điểm xuất phát. Những người lái xuồng và thợ máy mang thuyền và động cơ đến, lắp chúng ngay tại điểm khởi hành.
Mạng lưới buôn lậu người chủ yếu gồm dân Syria, phục vụ khách hàng người Syria, và ông chủ cũng là người Syria. Nhưng ông chủ Syria cũng cần đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như chủ của những bãi biển - người kiểm soát các bãi biển mà từ đó các tàu thuyền bắt đầu hành trình. Thông thường, các chủ bãi biển sẽ làm việc và ăn tiền của nhiều mạng lưới buôn người khác nhau. Sự liên kết này rất quan trọng với thành công của những kẻ buôn lậu.
"Bạn không thể đi từ đâu cũng được, vì vậy tôi phải nói rằng người Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này", Abu Khalil nói. "Nếu không có họ, những chuyến đi sẽ không diễn ra".
Một tay buôn lậu trong một nhóm khác nói rằng nhóm của hắn thuê những bãi biển khác nhau, để chúng có thể đưa người tị nạn đến những hòn đảo khác nhau ở Hy Lạp hoặc thay đổi địa điểm vào phút chót nếu cảnh sát đột nhiên đến. "Chúng tôi có người làm nhiệm vụ quan sát, và một khi anh ta thấy mọi thứ đều tốt, chúng tôi lên đường", Mohamad, một kẻ buôn lậu Syria nói. "Không có gì lộn xộn, tất cả mọi thứ đều được lên kế hoạch".
Mạng lưới buôn lậu người mang đến lợi nhuận khổng lồ, mặc dù giá dịch vụ họ đưa ra khác nhau. Mohamad đưa ra danh sách số tiền phải trả như sau: trong mùa cao điểm, với một chiếc thuyền chứa khoảng 40 hành khách, mỗi người phải trả 1.200 USD , doanh thu là 48.000 USD. Những kẻ môi giới sẽ lấy khoảng 75 USD đến 300 USD với mỗi khách hàng, số tiền còn lại là 36.000 USD chia cho những thành viên tham gia.
Trong thời gian đỉnh điểm vào tháng 9, thuyền đắt nhất có giá tới 8.500 USD và giá cho bộ động cơ là khoảng 4.000 USD. Người điều kiển và thợ máy đều lấy tiền công là 4.000 USD, trong khi phòng khách sạn cho những người tị nạn có giá chung là 500 USD một đêm. Các chủ sở hữu bãi biển được thanh toán theo những cách khác nhau nhưng họ thường tính một khoản tiền bằng 15% phí của mỗi hành khách - nghĩa là họ bỏ túi khoảng 6.000 USD mỗi thuyền.
Cuối cùng, kẻ buôn người cầm đầu giữ số tiền còn lại ít nhất là 13.000 USD. Nếu hắn giảm số tiền đưa cho những kẻ môi giới và cũng ép đưa lên tàu thêm 10 hành khách, hắn có thể sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận. Rất nhiều tàu chứa đến 50 người so với con số mà hắn hứa hẹn là 40, đồng thời tàu thường không có đủ nhiên liệu. Những người di cư đôi khi kể rằng những kẻ buôn người dùng súng để dọa dẫm, ép buộc họ lên tàu.
Bất chấp thảm cảnh, dòng người tị nạn cứ đổ xô ra đi. Mặc dù thời tiết xấu đi, và khó khăn chồng chất thêm sau các vụ khủng bố ở Paris, hàng nghìn người vẫn rời bờ biển gần Izmir mỗi ngày.
Với Abu Khalil, lý do rất dễ hiểu. Hầu hết người Syria không thể làm việc hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chiến tranh ngày càng xấu đi ở Syria. "Chúng tôi biết về những gì đã xảy ra ở Paris, nhưng chúng tôi đang tuyệt vọng", anh nói. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Trọng Nghĩa